Monday, August 24, 2015

Phong Thủy cho sân vườn

Trong xây dựng hiện đại, vấn đề thiết kế sân vườn dường như đã bớt được ưu tiên chú ý, vì diện tích có giới hạn nhưng nhu cầu của con người ngày càng nhiều nên phần lớn các công trình đều cố gắng tận dụng hết diện tích đất, đặc biệt là đối với xây dựng ở đô thị. Hy vọng qua bài viết này của một học viên đã tốt nghiệp khóa phong thủy tại Phong Thủy VIETAA sẽ phần nào giúp bạn đọc hiểu thêm về giá trị của việc thiết kế sân vườn trong phong thủy để có sự cân nhắc phù hợp với mục đích sử dụng khi xây dựng.
Ngày trước, khi thiết kế một khoảng sân cho nhà, tôi chỉ nghĩ rằng Sân nhà đơn giản chỉ là giúp xử lý vi khí hậu kiến trúc, là chỗ để xe khi khách đến nhà… rồi thiết kế nhà có vườn cũng chỉ nghĩ đến việc làm sao cho vườn đẹp, trồng cau hay trồng lộc vừng cho sang…và cũng lại nghĩ, cái sân ở quê trong ký ức nó đẹp chẳng qua là do ngày đó chẳng có gì để chơi nên đứa trẻ nào cũng tha thẩn với nó còn bây giờ trong cuộc sống hiện đại thì làm gì có nhiều ý nghĩa tinh thần nữa…..
10405682_616253768487989_4916638589742356894_n
Chưa bao giờ nghĩ rằng Sân nhà lại có vai trò rất lớn trong Phong thuỷ bởi quan niệm Phong thuỷ phải là cái gì huyền bí, cao siêu lắm…. Xét qua các trường phái phong thuỷ thịnh hành như Bát trạch, Huyền không cũng chưa thấy có phân tích nào cụ thể về Phong thuỷ của không gian này.
Cho đến giờ đây, khi đi sâu vào nghiên cứu phong thuỷ trong kiến trúc, tôi mới có đủ tư duy để nhận ra rằng Sân nhà có nhiều ý nghĩa trong phong thuỷ là bởi nó luôn gắn bó mật thiết với ngôi nhà và tự nhiên qua sự vận động của âm dương và rằng bản chất của Phong thuỷ chính là thể hiện những triết lý từ thiên nhiên mà thôi …
Trong kiến trúc nhà ở truyền thống, sân nhà luôn là cấu trúc không thể thiếu trong không gian tổng thể. Nếu như ai đã từng trải qua tuổi thơ gắn bó với góc sân và khoảng trời thì khi trưởng thành, có đi đâu, làm gì chắc chắn sẽ không bao giờ có thể quên được những ký tuổi thơ đã từng in dấu qua từng góc sân nhỏ trong nhà…
Sân là nơi cả gia đình quây quần mỗi tối mùa hè, nơi những đứa trẻ có thể thả tâm hồn và trí tưởng tượng bay bổng theo những vì sao trên bầu trời. Là nơi mà các anh, các chị và chính ta ta lẫm chẫm những bước đầu tiên trên cuộc đời… Những giá trị đó nói nó là quý, là gắn bó với con người bởi tự thân cấu trúc “sân trước nhà” đã mang trong hồn những triết lý sâu sắc của tự nhiên, một sự cân bằng âm dương hoàn hảo. Người ta thường nói “cái sân nó lân cái nhà” vì vậy thiếu đi cái sân cấu trúc ngôi nhà Việt dường như đã bị mất đi một phần sự hoàn thiện của tạo hoá.
Đa số chúng ta đều cảm nhận được giá trị tinh thần của sân nhà trong đời sống là như thế, tuy nhiên là một người thiết kế, bạn nhất định phải hiểu được các nguyên lý cốt lõi đã tạo nên giá trị đó để có thể chủ động thiết kế những cấu trúc nhà ở hợp lý, hài hoà âm dương, gắn bó với con người như bản chất tự nhiên để mang lại hạnh phúc và may mắn cho cuộc sống. Bài viết dưới đây sẽ đi sâu vào phân tích ý nghĩa đó.
Trong phong thuỷ nói chung không gian phía trước công trình (minh đường) luôn được coi trọng, nhưng với nhà ở nói riêng khi thiết kế phong thủy đôi khi người ta lại quá chú trọng đến hướng nhà, hướng bếp, mệnh tuổi của từng gia đình…mà quên mất rằng sân nhà chính là minh đường lớn, là nơi tích luỹ Dương khí góp phần mang lại sự thịnh vượng cho ngôi nhà. Một bố cục sân nhà tụ khí sẽ đem lại nhiều cơ hội trong cuộc sống, nhiều tiền bạc, sức khoẻ… bởi theo nguyên lý của học thuyết âm dương thì “dương vượng sẽ sinh âm” và từ khái niệm “ dương hóa khí, âm thành hình”, ta sẽ thấy trong trường hợp này “dương” là tượng trưng cho tiền bạc, sức khoẻ, cơ hội, bạn bè, văn hoá tinh thần…, “âm – là vật thành hình” chủ về tài sản, ngôi nhà, con người trong nhà… cho nên với nhà ở có dương khí vượng và tụ khí thì may mắn và tài lộc sẽ đến gõ cửa.
petulu-dat-lanh-chim-dau-94410
Nghiên cứu về phong thủy chúng ta sẽ nhận thấy “Môi trường sống như nào tư duy của bạn sẽ như thế” hay nói như cách của cha ông ta “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” cho nên với cấu trúc “sân trước nhà” thì dương khí trong nhà sẽ rất vượng, nhiều sinh khí, ít tà khí. Khi ở những môi trường này và được trải qua một quá trình tích luỹ và trải nghiệm về không gian và thời gian, những thế hệ sống trong nhà, đặc biệt là trẻ em sẽ có đời sống tinh thần phong phú, có tâm hồn và lối suy nghĩ sâu sắc hơn những đứa trẻ sống trong những căn nhà mặt phố đóng kín … Điều này, chỉ cần qua chiêm nghiệm trong cuộc sống chúng ta cũng sẽ thấy.
Xét theo nguyên lý vận động và biến hóa của Khí thì với những nhà có cấu trúc sân cao hơn đường, nền nhà lại cao hơn sân, thì sân trước nhà lúc này sẽ có tác dụng lọc bớt tạp khí từ bên ngoài, giúp sinh khí vào nhà thanh sạch hơn. Khí vận động từ ngoài đường vào đến nhà đã qua hai lần thanh lọc và biến hóa, chính vì vậy những gia đình sống trong đó sẽ luôn giữ được sự thanh tao trong tính cách, ít bị ảnh hưởng bởi sự xô bồ, thô trọc bên ngoài của xã hội.
Đi vào chi tiết, ta nhận thấy trong thực tế xây dựng, sân có thể không đứng độc lập với nhà mà đi cùng với nó là không gian của cây xanh, mặt nước gắn liền. Khi thiết kế Sân và vườn trong nhà ở có thể chia làm các dạng cấu trúc chính như sau:

1. Sân, vườn trong cấu trúc nhà ở có khuôn viên rộng

Thiết kế sân, vườn nhà cho các dạng nhà này phải lưu ý về tỷ lệ của sân so với nhà, nếu sân quá lớn sẽ rơi vào cách cục “khách lấn chủ”, lúc đó tuy cơ hội, khả năng kiếm tiền, bạn bè… có thể có nhiều nhưng thường không có thực chất, không mang lại hiệu quả mong muốn. Trường hợp này rất hay gặp trong cấu trúc nhà ở nông thôn, tuy nhiên cần nhắc lại rằng với nhà ở nông thôn những giá trị tinh thần mà dương khí đem lại cho ngôi nhà vẫn rất lớn.
Khi thiết kế phong thủy cho vườn trong nhà dạng này thì cần lưu ý, đối với sân trước nhà ở tại các hướng chịu bức xạ mặt trời lớn như hướng Đông, Tây, Tây Bắc, Tây Nam là các hướng vào mùa hè bị ảnh hưởng của “Dương sát” thì cần tăng cường “Âm” bằng cách giảm diện tích sân, tăng cường vườn cây, thảm cỏ hay trồng cây lớn, cây bóng mát.
Nhà tại các hướng Nam, Đông Nam do không chịu ảnh hưởng của Dương sát nên trồng cây và làm vườn cần “tinh” chứ không cần “đa”, nên trồng cây thân nhỏ hoặc làm thảm cỏ là chính vì nếu vườn lớn hơn sân hay cây quá to so với nhà sẽ khiến cho dương khí không còn tụ được ở sân. Trong cấu trúc này thì điểm quan trọng nhất là thiết kế bố cục hợp lý để ngôi nhà và sân trước nhà luôn trở thành chủ thể chính trong bố cục, tránh rơi vào cách cục “khách lấn chủ” và tránh cho Khí bị tán mà không tụ.

2. Sân, vườn trong nhà ở liền kề trong đô thị

Cấu trúc nhà liền kề ngày nay thường có xu hướng làm sân trước và sân sau để xử lý vi khí hậu trong kiến trúc. Khi thiết kế phong thuỷ, do diện tích sân trước nhà thường không lớn nên cần để không gian được thoáng tối đa, không để đồ cũ, không trồng cây to trước sân và lưu ý thêm về vị trí mở cổng để đón khí cho sân thêm vượng khí.
Với sân sau nhà thì tuy có thể kết hợp làm không gian phơi đồ, tuy nhiên lại cũng cần lưu ý vị trí mở cửa từ nhà ra sân sau phải bố trí hợp lý để tránh làm căn nhà bị thoát khí.
Khi thiết kế nhà liền kề trong các trường hợp có thể người thiết kế nên dành một quỹ đất dù nhỏ để tạo một khoảng sân trước nhà, không nên xây nhà hết đất. Làm được điều này thì hiệu quả phong thủy mang lại còn lớn hơn rất nhiều so với việc chuyển cửa, đặt bếp cho hợp hướng chủ nhà.
8

3. Nguyên tắc đặt bể cạn, non bộ trước sân nhà

Ngày nay, khi có điều kiện kinh tế, nhiều gia đình thường muốn đào hồ non bộ, làm đài phun nước trước sân hay lối đi vào nhà trên mặt nước với mục đích tạo ra cách cục giống như “Minh đường tụ thuỷ” trong phong thuỷ. Với những trường hợp này khi làm cần phải dựa trên nguyên lý về địa hình và mục đích sử dụng để quyết định nếu không thì lợi bất cập hại, sẽ dẫn đến tổn thất về người và của.
Bể cạn, bể non bộ trước sân nhà chỉ nên đặt ở nhà có vị trí mạch khí giao thoa hay khí có biến động lớn như nhà ở ngã ba, ngã tư phố, nhà nằm cuối con đường dài… nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của sát khí trước khi vào nhà. Với những trường hợp này việc đặt bể non bộ, bể cạn, chậu cây to… có tác dụng “trấn” sẽ mang lại sự ổn định cho gia đình.
Với những khu đất thiếu sinh khí thì cũng nên làm hồ có đài phun nước để tạo sự vận động cho dòng khí dương để mang lại sự thịnh vượng.
Với những ngôi nhà trong ngõ nhỏ, nhà nằm xa đường lớn, nơi địa hình kín gió, có mạch khí chậm thì khi đặt bể non bộ, hồ nước trước nhà, vô hình chung sẽ làm cản trở sự lưu thông của mạch khí vận động phía dưới. Theo nguyên lý “Khí gặp nước thì dừng” nên nếu bể non bộ, hồ nước đặt ở đây một là sẽ chỉ mang tính trang trí chứ không có ý nghĩa phong thủy, hai là nếu tỷ lệ và vị trí không hợp lý thì còn làm giảm đi sự thịnh vượng của ngôi nhà.

Kết luận:

Nhà ở có sân là một cấu trúc ở hoàn hảo theo quan điểm phong thủy bởi nó gắn liền với tự nhiên, có cấu trúc âm – dương hài hòa. Xuyên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, tính ưu việt của cấu trúc này vẫn không hề thay đổi. Ở đây ngôi nhà là chủ thể chính, luôn được cung cấp và tích luỹ các nguồn năng lượng tốt từ môi trường.
Chính vì thế, hãy gìn giữ và trân trọng không gian này như tất cả các phòng chức năng trong ngôi nhà để giữ cho sân nhà luôn được thanh sạch, từ đó mang lại may mắn và phúc lộc cho gia đình. Nếu như bạn đã có may mắn sở hữu dù chỉ là một góc sân trong nhà nhưng lại từng chỉ coi như một nơi để xe cho khách đến chơi, hay là nơi tạm để bỏ các đồ vật ít dùng đến … thì nay cũng cần thay đổi ứng xử bởi không gian này dù nhỏ hay to vẫn là món quà quý giá mà tự nhiên ban tặng cho gia đình.
Với người thiết kế thì nhất định phải hiểu được những ưu điểm của bố cục “sân trước nhà” một cách toàn diện hơn từ góc độ kiến trúc đến phong thủy để từ đó chắt lọc những nét tinh hoa từ kiến trúc nhà ở truyền thống ứng dụng vào trong sáng tác, góp phần xây dựng nền kiến trúc Việt nam ngày một hiện đại và giàu bản sắc dân tộc và hy vọng rằng khi mà xu hướng phát triển nhà chia lô vẫn đang phát triển không ngừng thì người thiết kế nên chú ý nhiều hơn đến khoảng sân trước nhà thay vì chạy theo theo xu hướng “ nhà nhà bám mặt đường” đang diễn ra phổ biến trong các thiết kế khu ở mới từ đô thị đến khu dân cư nông thôn như thực tế hiện nay.

No comments:

Post a Comment