Gương mặt không chỉ là nơi biểu thị cảm xúc nhất thời của một người mà còn cung cấp thêm rất nhiều thông tin cá nhân của người đó như tính cách, tình trạng sức khỏe và thậm chí là cả đời sống tình dục. Vậy thật sự điều đó có chính xác không hay chỉ là những suy luận vô căn cứ? Các nhà khoa học đã thực hiện hàng loạt nghiên cứu nhằm tìm hiểu những thông tin ẩn sau khuôn mặt. Và sau quá trình nghiên cứu một cách nghiêm túc, các nhà khoa học đã phát hiện ra những mối tương quan hết sức thú vị.
Những quan niệm thuở xa xưa
Từ rất lâu trong lịch sử, các nhà triết học cổ đại cho rằng có thể thông qua khuôn mặt con người để nhìn vào sâu thẳm bên trong linh hồn của họ. Thậm chí, Aristotle và những triết gia đương thời còn biên soạn một khối lượng lớn các tài liệu mô tả những trạng thái, hình dạng trên gương mặt con người tương ứng với suy nghĩ trong tâm hồn của họ. Trong một văn bản cổ đã chép rằng: “Tóc mềm là dấu chỉ cho sự hèn nhát trong khi người can đảm sẽ có tóc thô cứng.” Thậm chí, họ còn cho rằng: “Một đôi mắt sáng, tinh ánh biểu thị sự ham muốn giết chóc hay cánh mũi rộng là dấu hiệu cho sự lười biếng như gia súc.”
Và từng có thời, người ta cho rằng người có môi dày sẽ có xu hướng đam mê sắc dục do nó có hình dạng như chiếc mông. Ngược lại, các triết gia cổ đại tuyên bố người có môi càng mỏng thì họ có quyền được tự hào do đây là dấu chỉ cho sự kiêu hãnh, sự lãnh đạo như loài sư tử.
Trái với những suy nghĩ đầy chủ quan và duy tâm ấy, ngày nay con người ta luôn biết rằng “đừng bao giờ đánh giá một cuốn sách chỉ dựa vào trang bìa của nó.” Nhưng khi nghiên cứu một cách nghiêm túc hơn về mối tương quan giữa hình dáng gương mặt với đặc điểm cá nhân mỗi người, các nhà tâm lý học đã có nhiều phát hiện hết sức thú vị. Thậm chí hiện nay, dù bạn có cố tình làm các động tác giả trên khuôn mặt thì các chuyên gia tâm lý vẫn có thể đọc được những thông tin chi tiết về cá tính, tình hình sức khỏe và trí tuệ của bạn.
Cấu trúc cơ bản của khuôn mặt – Tỷ lệ ngang/dọc
Theo chuyên gia tâm lý học Carmen Lefevre tại Đại học Northumbria, Anh Quốc: “Vấn đề ở đây là những cơ chế sinh học của chúng ta, như bộ mã di truyền và nồng độ Hormone, đều ảnh hưởng đến sự phát triển của chúng ta. Và cũng chính các cơ chế này sẽ dần định hình nên đặc điểm tính cách của chúng ta.” Điển hình như cấu trúc xương trên khuôn mặt cũng biểu hiện những đặc điểm khác đa dạng như ngắn và rộng hoặc dài và mỏng.
Lefevre đã phát hiện rằng những người có nồng độ testosterone cao hơn, sẽ có xu hướng sở hữu xương gò má cao hơn và tương ứng với điều này, họ thường có cá tính quyết đoán và đôi khi hung hăn, ích kỷ. Ngoài ra, mối liên hệ giữa khuôn mặt và tính cách không chỉ có ở con người mà còn xuất hiện trên một số loài động vật khác. Đối với loài khỉ mũ (còn gọi là khỉ thầy tu), những cá thể có khuôn mặt rộng sẽ cá tính hơn và có xu hướng sẽ giữ thứ bậc cao hơn trong bầy đàn. Điều thú bị là sự tương quan trên cũng đúng đối với con người trong một số trường hợp.
Dựa trên nghiên cứu và thống kê diễn biến World Cup 2010, tiến sĩ Keith Welker và các đồng nghiệp của ông tại Đại học Boulder, Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng tỷ lệ chiều ngang và chiều dọc khuôn mặt (fWHR) của một trung vệ bóng đá có thể được dùng để dự đoán số lần phạm lỗi và số bàn thắng do anh ấy tham gia kiến tạo. Tỷ lệ fWHR được tính bằng cách lấy khoảng cách giữa 2 tai chia cho khoảng cách từ điểm giữa mắt tới môi trên. Giá trị trung bình của fWHR là 2, trong ví dụ bên trên thì Abraham Lincoln có tỷ lệ ngang/dọc của khuôn mặt vào khoảng 1,93.
Đồng thời, Lefevre cho rằng tỷ lệ fWHR còn có thể được dùng để dự đoán sự thành công trong sự nghiệp chính trị của một người. Trong một nghiên cứu công bố hồi năm 2012, Lefevre đã phân tích khuôn mặt của 29 đời tổng thống Mỹ nhằm tìm kiếm mối quan hệ giữa tỷ lệ fWHR các tính chất mạnh mẽ, cứng rắn, yêu hòa bình và những thành tựu mà họ đạt được trong sự nghiệp.Kết quả cho thấy, chỉ số fWHR có quan hệ mật thiết với những thành tựu mà họ đạt được.
Gương mặt phúng phính, lượng mỡ và Sức khỏe
Tất nhiên, ngoài tính cách thì gương mặt cũng có mối quan hệ mật thiết với tình hình sức khỏe và tiền sử bệnh tật của bản thân. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra điều này. Điển hình như dựa vào lượng mỡ trên khuôn mặt, các nhà nghiên cứu có thể kết luận rằng bạn có chăm tập luyện thể thao hay không mà không cần phải dựa vào những số đo khác trên cơ thể. Dựa vào những thông tin này, họ sẽ tiếp tục suy ra thêm nhiều thông tin khác. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng người có khuôn mặt gầy thường ít bị nhiễm trùng và nếu có thì bệnh tình cũng ít nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, những người này còn có tỷ lệ mắc trầm cảm hay lo âu thấp hơn. Lý giải cho kết luận này, nhóm nghiên cứu cho rằng có thể người có gương mặt gầy thường chăm tập luyện thể thao và điều này giúp họ có đời sống tinh thần tốt hơn.
Vậy còn những người sở hữu gò má phúng phính thì sẽ như thế nào? Theo tiến sĩ tâm lý học Benedict Jones tại Đại học Glasgow: “Việc sức khỏe của bạn ra sao không phụ thuộc vào lượng chất béo mà bạn có, nhưng vấn đề ở đây là lượng chất béo đó nằm ở đâu?” Cụ thể, đối với những người có thân hình quả lê (mỡ tập trung ở khu vực xung quanh hông trở xuống trong khi phần thân trên lại mảnh khảnh) thường khỏe mạnh hơn so với người sở hữu thân hình quả táo (mỡ tập trung ở phần thân trên). Nguyên nhân là do những mô mỡ thừa xung quanh cơ hoành ở nhóm người thân quả táo có thể giải phóng những phân tử gây viêm, làm tổn hại tới các bộ phận quan trọng. Trớ trêu thay, đôi gò má phúng phính thường là dấu chỉ cho việc mỡ tập trung tại những vị trí có hại. Nói cách khác, người có gương mặt tròn đầy mỡ có thể dẫn tới một số tình trạng sức khỏe nguy hiểm.
Màu da và Sức khỏe
Bên cạnh những đặc điểm về hình thái thì sự khác biệt về màu da cũng tiết lộ một số bí mật sức khỏe bên trong cơ thể. Tiến sĩ Lefevre nhấn mạnh rằng ở đây không đề cập tới sự khác biệt về sắc tộc, nhưng lối sống của mỗi cá nhân sẽ được phản ánh thông qua sắc thái da của họ. Điển hình như một người được cho là khỏe mạnh nếu da của họ có màu phơn phớt vàng và tươi sáng. Đây chính là màu của loại sắc tố mang tên carotenoids có nhiều trong những loại rau củ, trái cây có màu đỏ hoặc cam. Tiến sĩ Lefevre cho biết: “Carotenoids giúp tạo nên một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Nhưng khi chúng ta ăn đủ, chúng sẽ tạo thành một lớp và nhuộm màu vàng cho da. Chúng ta chỉ trưng bày carotenoids khi chúng không được dùng để chống lại bệnh tật.”
Trong khi đó, một làn da mặt ửng hồng có thể là tín hiệu cho thấy người đó có lối sống khá năng động do máu được lưu thông tốt. Đồng thời, những người phụ nữ có gương mặt ửng hồng cũng có khả năng sinh sản tốt hơn. Tiến sĩ Benedict Jones lý giải rằng thông thường trong chu kỳ kinh nguyệt, cơ thể người phụ nữ sẽ tiết ra estradiol, một loại hormone sinh dục có tác dụng làm đầu mạch máu trên má hơi giãn ra. Chính điều đó sẽ làm gương mặt người nữ ửng hồng, khiến cô ấy trở nên hấp dẫn hơn và dễ thụ thai hơn.
Đặc điểm khuôn mặt chỉ sự thông minh
Tiến sĩ Jones cho rằng mức độ thông minh biểu thị một cách khá rõ ràng trên khuôn mặt nhưng chúng ta vẫn chưa có phát hiện hết những đặc điểm này. Đây cũng là một trong những nền tảng của bộ môn nhân tướng học. Vào đầu thế kỷ 20, người ta thường quan niệm sai lầm rằng những cái bướu hoặc cục u trên đầu là dấu chỉ cho sự thông minh. Ngày nay, các nhà khoa học luôn tìm cách khám phá những bí mật của sự thông minh ẩn chứa trong khuôn mặt.
Hồi tháng 4 năm ngoái, một nhóm các nhà khoa học Czech đã kết luận rằng khả năng lĩnh hội kiến thức của một người đàn ông có liên quan trực tiếp đén hình dáng khuôn mặt của họ. Tuy nhiên, điều ngược lại thì không hoàn toàn chính xác đối với nữ giới. Nói cách khác, chúng ta khó có thể dự đoán chính xác mức độ thông minh của một người do không biết phải dựa vào những đặc điểm cụ thể nào. Đây không phải là một việc đơn giản và tất nhiên, không thể kết luận ai đó thông minh chỉ vì họ đeo kính.
Tuổi tác, trang phục và mối quan hệ với khuôn mặt
Thú vị hơn, các nhà khoa học cũng nghiên cứu xem mối quan hệ giữa tính cách, lối sống và nhân dạng của một người sẽ thay đổi như thế nào trong suốt cuộc đời của họ. Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích nhân cách và nhân dạng của con người trong suốt quãng thời gian từ những năm 1930 đến 1990. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu kết luận rằng những người có khuôn mặt baby thường ít hung hăn hơn khi còn trẻ, nhưng lại trở nên quyết đoán hơn khi lớn tuổi. Có lẽ nguyên nhân là do họ muốn bù đắp những gì mà người khác từng đánh giá họ qua khuôn mặt trẻ con.
Thú vị hơn nữa, nhóm nghiên cứu trên còn phát hiện rằng khi càng lớn tuổi thì con người thường có xu huớng biểu hiện những đặc điểm không được bộc lộ rõ ràng lúc còn trẻ. Theo đó, những người phụ nữ càng chăm chút cho sự quyến rũ, hòa đồng và lịch thiệp trong khoảng tuổi từ thanh thiếu niên đến 30 thì tới độ tuổi 50, họ sẽ được cho là đẹp hơn so với những người ít duyên dáng nhưng đẹp tự nhiên lúc còn trẻ. Các nhà nghiên cứu cho rằng có thể những người này luôn biết cách tạo nên vẻ ngoài ưa nhìn và sự tự tin bên trong sẽ được bộc lộ một cách tinh tế trên gương mặt của họ.
Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học yêu cầu những tình nguyện viên mặc những bộ quần áo mà họ yêu thích sao đó chụp ảnh chân dung của họ. Kết quả cho thấy, khi được mặc những bộ quần áo ưa thích, gương mặt của các tình nguyện viên trở nên thu hút và hấp dẫn hơn. Mặc dù đây không phải là những đặc điểm nội tại của họ như xương, hình dáng khuôn mặc hay tuổi tác nhưng quần áo cũng ảnh hưởng tới tâm lý của con người và biểu thị qua khuôn mặt.
Kết
Rõ ràng, gương mặt con người không chỉ là một sản phẩm sinh học mà còn chứa đựng biết bao thông tin thú vị khác như tình hình sức khỏe, thói quen sống và cả khả năng lĩnh hội kiến thức. Đó là những kết luận rút ra từ những nghiên cứu khoa học đúng đắn và có cơ sở. Mục tiêu cuối cùng của các nghiên cứu trên là giúp con người được trở nên hoàn thiện và sống tốt hơn. Dĩ nhiên, các đặc điểm trên vẫn có thể thay đổi trong suốt cuộc đời mỗi người. Chúng ta không thể thay đổi gen hay hormone, nhưng thay vì lo âu về những điều được cho là sắp đặt sẵn, chúng ta có thể thay đổi thói quen sống, thay đổi suy nghĩ, định hướng,… khi đó, chúng ta sẽ có một cuộc sống hạnh phúc và tốt đẹp hơn. Cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết quá dài này, chúc vui vẻ.
Tham khảo BBC, PLOS (1), (2), Sciencedirect, Zaggini, LS, Lefevre, Wiki, Radio
No comments:
Post a Comment