Ngày nay, song song với việc chất lượng đường truyền mạng ngày càng gia tăng và giá thành của từng gigabyte lưu trữ ngày càng rẻ đi, nhu cầu download và lưu trữ dữ liệu số, đặc biệt là các dữ liệu âm thanh, hình ảnh của chúng ta cũng theo đó mà tăng theo cấp số nhân.
Dù bạn là người thích chụp ảnh, sưu tập đĩa nhạc hay, hay đam mê phim… nhìn chung một khi đã có nhu cầu lưu trữ dữ liệu số với số lượng lớn, rồi sẽ đến lúc chúng ta gặp phải những băn khoăn về vấn đề dung lượng, khả năng sao lưu dữ liệu đề phòng hỏng hóc hay khả năng truy cập thư viện dữ liệu của mình từ xa. Để giải quyết những vấn đề này, xin gửi đến bạn đọc loạt bài viết hướng dẫn xây dựng hệ thống NAS (Network Attached Storage), một giải pháp lưu trữ đơn giản, hiệu quả với chi phí rất thấp; được tổng hợp từ PCWorld, Lifehacker và một số blog công nghệ.
NAS là gì và tại sao nên xây dựng hệ thống NAS?
NAS (Network Attached Storage) box là một thiết bị, hay cụ thể hơn ở đây là một máy tính trong hệ thống mạng nhà bạn sẽ được cài đặt để chuyên phục vụ các nhu cầu liên quan đến lưu trữ hay truy cập dữ liệu. Khi được kết nối và cấu hình chính xác, ở mức cơ bản mọi máy tính trong hệ thống mạng LAN sẽ có thể truy cập các file dữ liệu trên NAS. Hiện nay cách nghĩ rằng dạng thiết bị như NAS chỉ phù hợp với các gia đình giàu có với 4 5 PC hay laptop trong nhà đã không còn phù hợp, khi mà chúng ta có thể bắt gặp các dạng thiết bị thông minh với nhu cầu truy cập file thường xuyên (smartphone, tablet và sắp tới là các loại wearable computer..) ở khắp mọi nơi. Không giống như các file server thông dụng, NAS thường được cấu hình tối ưu cho các tác vụ cụ thể như stream media hay sao lưu dữ liệu. Quan trọng nhất vẫn là đặc điểm mà bạn có thể tìm thấy trong mọi bài viết về NAS : Low power and and low cost (chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn ở phía dưới).
Hiện nay, việc tìm mua các NAS box pre-build không còn là việc quá khó khăn. Dạo qua các diễn đàn như hdbitvn hay hdvietnam, ta có thể bắt gặp rất nhiều thương nhân cũng như khách hàng nhiều kinh nghiệm với dòng sản phẩm này, cũng như thấy rằng việc sử dụng NAS không phải là điều gì đó quá mới mẻ. Với các sản phẩm pre-build này - cũng tương tự một chiếc điện thoại hay laptop chạy hệ điều hành gốc của nhà sản xuất cài đặt trên đó mọi thành phần cần thiết bao gồm hệ điều hành nền và các chức năng mềm khác đã được tích hợp đầy đủ - người dùng chỉ cần kết nối vào mạng là hầu như có thể sử dụng ngay lập tức, hết sức thuận tiện.
Nhưng nếu trong nhà bạn đang có sẵn một PC cũ không được sử dụng thường xuyên nhưng vẫn hoạt động ổn định, hay chỉ đơn giản là một số linh kiện như CPU, Mainboard, RAM cũ hiện đang vứt lăn lóc; việc tự tay xây dựng nó thành một NAS box cũng có cái hay riêng của nó – khi mà chúng ta có thể tùy biến rất nhiều thứ theo ý mình, đồng thời đảm bảo chi phí phải bỏ ra được giữ ở mức tối thiểu (Tuy nhiên riêng các nguồn cũ Noname thì xin khuyến cáo bạn đọc không tái sử dụng dưới mọi hình thức nếu không muốn mất trắng mọi dữ liệu quý giá của mình).
Tùy theo số lượng ổ cứng và cổng kết nối ổ cứng mà bạn muốn sử dụng (ngày nay chủ yếu là SATA), cũng nên lưu ý số port trên mainboard để xem có thể sử dụng được tối đa là bao nhiêu ổ. Tuy với nhu cầu gia đình thì khoảng 2 đến 3 tổ 1 hoặc 2TB đã là khá ổn, và cách làm việc của NAS cũng không yêu cầu tốc độ cao của SATA 3 nhưng nếu bạn có nhu cầu ca, các mainboard cũ với nhiều cổng cũng không phải là quá đắt
PC File Server vs NAS
Nếu so sánh về mặt chức năng, quả thực một server Windows hay Linux quen thuộc sẽ đánh bại mọi thể loại NAS, với khả năng chạy đủ loại dịch vụ - kiêm nhiệm chức năng của nhiều server để phục vụ mọi nhu cầu người dùng có thể nghĩ ra. Thậm chí nếu chỉ so sánh khả năng của file server trên đó với NAS, các NAS box của chúng ta vẫn hoàn toàn ở cửa dưới bởi việc hoạt động trên nền các hệ điều hành mạnh mẽ khiến các File Server linh hoạt và đa nhiệm hơn rất nhiều.
Nhưng bù lại, sự “mạnh mẽ” của các hệ điều hành này sẽ vắt kiệt sức của chiếc PC già cỗi mà bạn đang định sử dụng, khiến phần hiệu năng dành cho việc xử lý các yêu cầu truy cập file chẳng còn bao nhiêu. Kể cả nếu so với các NAS box pre-build, thường thì ta sẽ phải bỏ tiền cho một case mini-ATX giá cao ngất, dĩ nhiên kèm theo hệ thống mainboard và quạt nhỏ gọn mới có thể đạt được kích thước lý tưởng của các NAS box này.
Quan trọng nhất, nếu như việc một máy PC thông thường trong nhà được bật 24/7 để phục vụ file cho các thiết bị khác làm dấy lên mối quan tâm của gia đình bạn về vấn đề…. tiền điện thì khi sử dụng NAS, chúng ta sẽ gạt bỏ được gánh nặng này. Đừng quên rằng với cách cài đặt server thông thường, tức bổ sung dịch vụ trên nền các hệ điều hành Windows, Linux (kể cả dù bạn có kiếm được các Linux server tối ưu cho nhu cầu gia đình hay hộ kinh doanh nhỏ đi nữa); rất nhiều năng lượng cũng như sức mạnh xử lý sẽ được tiêu tốn vào những thành phần, chức năng mà có thể bạn sẽ chẳng bao giờ cần đến chỉ với nhu cầu lưu trữ thông thường.
Rất nhiều trong số đó là những yếu tố phục vụ việc xử lý đồ họa. Trong khi với các thiết bị lưu trữ dạng này, giải pháp thông minh hơn sẽ là giải phóng chúng khỏi các vấn đề về đồ họa cũng như các thành phần râu ria như chuột, bàn phím, màn hình…. Sau đó chạy giao diện cấu hình trên máy PC chính, mạnh mẽ hơn mà chúng ta thường dùng để làm việc. Và đó cũng chính là cách mà đa số các NAS box hoạt động: Người dùng sẽ cấu hình chúng từ xa thông qua giao diện web. Kết quả là chúng ta có những cỗ máy chỉ với công suất tiêu thụ chỉ vài chục W ở trạng thái nghỉ (idle) và hiếm khi vượt quá 150W ngay cả khi hoạt động ở cường độ cao. Thậm chí có những mẫu pre-build được quảng cáo chỉ tốn tầm 11W khi idle, trong khi chỉ riêng ổ Western Digital RED (loại tốc độ thấp, tối ưu cho NAS chuyên dùng để lưu trữ) đã tốn gần 5W.
So sánh điện năng của 1 mẫu NAS prebuild và PC thông thường.
Dĩ nhiên, nếu bạn có đủ khả năng tài chính và muốn có một file server với khả năng tùy biến, mở rộng cao, đáng tiếc vẫn phải nói rằng một PC cấu hình tương đối chạy Windows hay Linux Home Server sẽ mạnh mẽ cũng như thuận tiện cho việc cấu hình hơn khá nhiều.
Những yêu cầu đầu tiên
Lý thuyết như vậy đã là quá đủ, bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu những gì bạn cần chuẩn bị để tiến hành thiết lập NAS box trong nhà:
- Một hệ điều hành: Không phải những hệ điều hành mạnh mẽ đa nhiệm như sản phẩm của Windows hay Apple mà là các hệ điều hành nhỏ gọn được tối ưu để đóng vai trò NAS box. Như nhiều người sẽ đoán trước, phần lớn các hệ điều hành miễn phí dạng này được cung cấp trên mạng đều được xây dựng dựa trên Linux, vì vậy đôi chút hiểu biết về các câu lệnh cơ bản trong Linux để sử dụng khi cần thiết cũng sẽ rất hữu ích. Hiện nay, có rất nhiều giải pháp được ưa chuộng như FreeNAS, OpenFilter hay unRAID. Trong phạm vi chuỗi bài viết này, các hướng dẫn sẽ được thực hiện chủ yếu dựa trên FreeNAS 7, tuy nhiên thao tác cấu hình giữa các sản phẩm này thực sự cũng không có quá nhiều khác biệt. Nếu đã nắm được cốt lõi vấn đề, bạn hoàn toàn có thể thử qua vài loại NAS OS khác nhau cho đến khi vừa ý.
Nếu tìm kiếm freenas từ trang chủ, bạn sẽ chỉ thấy Version 8, trong đó đòi hỏi cấu hình cao hơn rất nhiều so với Version 7. Vì vậy hãy hướng đến trang chủ mới của phiên bản cũ là đề tài về file cài đặt cần thiết. Nếu có đủ phần cứng cần thiết, bạn cũng có thể tải về Version 8 nếu muốn tận hưởng các chức năng mới, dù rằng theo như lifehacker thì phiên bản này còn khá nhiều bất cập.
- Kiến thức căn bản về hệ thống mạng trong gia đình: Nếu còn băn khoăn về các khái niệm liên quan đến địa chỉ mạng, chức năng căn bản của các thiết bị mạng trong nhà hay các vấn đề tương tự, bạn nên xem qua chuỗi bài trước đây về Home Networking. Genk cũng đã có sẵn một bài về giao thức streaming phổ biến nhất hiện nay là UPnP (thường bị nhầm lẫn chung với chứng chỉ DLNA) nếu bạn có nhu cầu stream media từ NAS box của mình.
- Một dàn máy cũ với RAM tối thiểu 256MB (cho V7) hoặc 4GB (cho V8): Các thành phần như mainboard và CPU tốt nhất nên được tận dụng lại (Pentium 4 sẽ là vừa đủ), bởi giá các NAS box pre-build không hơn một con chip Celeron 775 mới là bao, và một trong các mục đích quan trọng ở đây vẫn là tiết kiệm. Tuy nhiên xin nhắc lại là nên nói không các nguồn Noname cũ.
- Một USB flash drive khoảng 512MB: Bạn có thể cài đặt FreeNAS nói riêng và các NAS OS nói chung trên ổ cứng nếu muốn, nhưng phần lớn các OS này được thiết kế để chạy riêng biệt trên các USB dạng này. Chỉ nên cài đặt chúng lên ổ cứng nếu Mainboard cũ của bạn không hỗ trợ boot từ USB.
Với từng đó thứ, chúng ta đã tạm xong phần chuẩn bị. Trong bài tiếp theo, chúng ta sẽ đi vào chi tiết cài đặt để có một NAS box hoạt động như ý muốn.
Sau khi đã hoàn thành việc chuẩn bị về xây dựng hệ thống NAS, trong bài viết thứ 2 này, chúng ta sẽ đi vào từng bước cài đặt NAS4Free (FreeNAS 7) trên dàn máy cũ của mình.
Bạn có thể dùng bất cứ phần mềm ghi đĩa nào mình thích để burn file .iso cài đặt đã tải về ra một đĩa CD/DVD. Hoặc nếu muốn tiến hành cài đặt từ USB, bạn nên format dưới dạng FAT32 trước khi sử dụng các phần mềm dạng như Win32 Disk Imager để ghi nội dung file .iso vào USB (chú ý việc mainboard có hỗ trợ boot từ USB hay không). Như vậy là chúng ta đã có phương tiện để cài đặt. Kết nối với máy tính, tinh chỉnh BIOS để ổ CD/USB đó là first boot option nếu cần và chờ cho quá trình chuẩn bị cài đặt hoàn tất, tương tự như khi ta chờ các đĩa cài đặt Window/Linux load file. Nên để mặc định cho NAS4Free boot ở Normal Mode (tùy chọn 1).
Chú ý hai điều:
- Nếu muốn cài đặt NAS4Free lên một USB/Thẻ nhớ nào đó thì USB/Thẻ nhớ đó cần được chuẩn bị riêng, không thể để nguồn và đích cài đặt là cùng một USB được.
- Không cắm USB/Thẻ nhớ thứ hai ngay từ đầu, điều này sẽ khiến quá tình load ban đầu thất bại. Chỉ kết nối USB/Thẻ nhớ này khi đã đến màn hình cài đặt và thông báo như sau xuất hiện.
Như bạn có thể thấy, ta có thể lập tức sử dụng NAS4Free ở chế độ LiveCD/LiveUSB mà không cần tốn sức cài đặt.
Chế độ LiveCD/LiveUSB:
Toàn bộ hệ điều hành NAS4Free được load từ USB/CD cài đặt lên RAM để sử dụng, tương tự như các bản Window portable bạn thường bắt gặp trong các đĩa cứu hộ dạng HirenbootCD hay chế độ LiveCD của một số distro Linux như Ubuntu. Các cấu hình cơ bản sẽ được lưu lại trong một file config.xml chứa trên cùng USB/LiveCD cài đặt đó.
Không mất công cài đặt. Dễ dàng cập nhật phiên bản mới (chỉ cần rút USB/CD ra và burn phiên bản mới lên đó). Dễ dàng khôi phục trạng thái gốc do các thay đổi không được ghi lại trên CD/USB.
Bù lại do các thay đổi, cấu hình chỉ được lưu giữ trên RAM nên sau mọi tình huống như reboot, tắt cho máy nghỉ ngơi hoặc mất điện, bạn sẽ phải cấu hình lại (hoặc load lại file cấu hình config.xml gần đây nhất mà bạn lưu lại trên usb/cd). Các chức năng mà bạn bổ sung thêm thông qua plugin cũng sẽ không được lưu lại. Nhìn chung việc lưu các cấu hình/thây đổi sẽ khó khăn hơn. Tốc độ boot có thể chậm trên các mainboard đời cũ (nếu dùng USB).
Phù hợp cho nhu cầu dùng thử lần đầu hoặc cho những người dùng đã thạo cấu hình căn bản muốn thử nghiệm NAS4Free trên các máy khác nhau.
Tuy vậy nếu muốn sử dụng lâu dài và thực hiện nhiều tùy biến, bạn nên chọn option thứ 9 để tiến hành cài đặt hẳn NAS4Free lên ổ cứng, thẻ nhớ. Tại đây chúng ta có 3 lựa chọn để cài đặt, tương ứng với 2 chế độ sử dụng.
Full Installation:
Cài đặt trực tiếp lên các HDD/SSD/USB/Thẻ nhớ. Mọi thành phần cần thiết của hệ điều hành sẽ được ghi lên đó, các thay đổi trên hệ điều hành sẽ được ghi lại trực tiếp trên các thiết bị lưu trữ đó. Nói một cách ngắn gọn NAS4Free sẽ được cài đặt như khi ta cài đặt Window, Linux hay Mac theo các thông thường.
Tiết kiệm bộ nhớ, tại mỗi thời điểm có một số thành phần cần thiết của hệ điều hành được load lên RAM để phục vụ các tác vụ tại thời điểm đó. Việc thay đổi, cấu hình cũng linh hoạt hơn vì mọi thay đổi bạn thực hiện dù là trên các file hệ thống hay thông qua giao diện web cũng đều được lưu lại. Việc cài đặt bổ sung các chức năng, plug-in mới cũng nhanh chóng và tiện lợi.
Tuy nhiên để đổi lại sự linh hoạt này là rủi ro hỏng hóc hệ điều hành do thao tác không đúng từ những người dùng thiếu kinh nghiệm. Mọi thay đổi sẽ được lập tức lưu lại trên đĩa cứng và không thể phục hồi, vì vậy đòi hỏi người dùng phải tự giác backup mỗi khi muốn thử một plugin hoặc thêm mới một chức năng có ảnh hưởng lớn nào đó. Ngoài ra, việc các file hệ thống được đọc/ghi liên tục sẽ có ảnh hưởng không tốt tới tuổi thọ của các USB/thẻ nhớ hoặc SSD tầm thấp. Qúa trình cập nhật mới, sửa chữa của một bản full Installation cũng dài dòng hơn đôi chút.
Phù hợp với những người dùng nhiều kinh nghiệm (nhất là kinh nghiệm làm việc với các file cấu hình) và muốn thường xuyên thực hiện việc tùy biến, bổ sung chức năng cho NASbox của mình. Việc có sẵn một USB/SSD tốt để không phải lo lắng về vấn đề tuổi thọ cũng là điều cần lưu ý.
Embedded Installation
Chế độ cài đặt được khuyên dùng. NAS4Free vẫn sẽ được cài đặt trực tiếp lên HDD/USB/Thẻ nhớ nhưng khi khởi chạy toàn bộ hệ điều hành sẽ được load lên RAM tương tự với LiveCD. Mọi cấu hình được thực hiện thông qua giao diện web sẽ vẫn được lưu lại và người dùng không phải lo về việc mất đi các tinh chỉnh này. Nhưng mọi dạng tác động khác đến các file hệ thống (sửa, xóa bằng các công cụ như text editor chẳng hạn) sẽ chỉ tồn tại trên RAM chứ không được ghi lại vào đĩa cứng, tức là sẽ mất đi sau khi reboot/ngắt điện.
Cập nhật nhanh chóng và dễ dàng. Nếu như đối với LiveCD ta vẫn phải tải về phiên bản mới dưới dạng đầy đủ và tự ghi vào USB/CD thì với chế độ Embedđe, việc cập nhật có thể được thực hiện trực tiếp qua giao diện Web (hoặc sử dụng file .iso được tạo riêng cho việc cập nhật bản Embedded, nhỏ gọn hơn rất nhiều). Các file hệ thống được bảo vệ an toàn khỏi bàn tay táy máy của các vọc sĩ non kinh nghiệm, vì vậy sẽ không có những sự cố dạng như “ntldr is missing” trên Window chỉ vì bạn hoặc ai đó nhỡ tay xóa mất một số file.
Tuy nhiên cũng vì cơ chế bảo vệ này nên dĩ nhiên khả năng tùy biến khi chạy ở chế độ này vẫn kém hơn so với chế độ Full Installation.
Phù hợp với những ai muốn tận dụng tối đa các chức năng của NAS4Free về lâu về dài nhưng không có quá nhiều nhu cầu tùy biến phức tạp. Cũng cần lưu ý về RAM khi chạy ở chế độ này, nếu dung lượng RAM trên máy cũ của bạn quá thấp thì vẫn nên cân nhắc sử dụng chế độ Full.
Lựa chọn thứ nhất sẽ cài đặt NAS4Free dưới dạng Embedded lên ổ mà bạn chọn. Lưu ý là với cách cài đặt này toàn bộ ổ đó sẽ được format và chỉ được sử dụng làm nơi chạy HĐH chứ không thể được sử dụng để chứa dữ liệu. Vì vậy không nên chọn 1/nếu bạn muốn cài đặt lên HDD/SSD vì sẽ lãng phí dung lượng và cả một port SATA quý giá trên mainboard.
Với lựa chọn thứ 2, bộ cài sẽ tạo ra 2 phân vùng. Một phân vùng có dung lượng vừa đủ để cài đặt NAS4Free và phần còn lại sẽ vẫn có thể được dùng để lưu dữ liệu. Đây là lựa chọn thích hợp nhất cho HDD/SSD.
Lựa chọn thứ 3, hiển nhiên là được sử dụng để cài đặt ở chế độ “Full”.
Tùy chọn 4 và 5 được dùng để cập nhật OS dạng Full/Embedded từ USB cài đặt (chứa phiên bản mới hơn). Với tùy chọn 6 ta có thể chuyển một OS đã được cài ở dụng Full về dạng Embedđe bất cứ lúc nào.
Sau khi đã chọn xong chế độ cài đặt. Nhấn ‘OK’ để tiếp tục. Lưu ý rằng màn hình tiếp theo là nơi bạn chọn nguồn cài đặt, không phải đích. Chọn đúng ổ CD/DVD hoặc USB có chứa bộ cài. Sau đó mới là bước chọn nơi mà bạn muốn cài đặt HĐH NAS4Free lên.
Với chế độ cài đặt “Full”, người dùng được quyền chọn dung lượng của phân vùng chứa HĐH NAS4Free (tối thiểu 380MB). Không cần thiết phải đặt quá lớn, đặc biệt là nếu bạn đang cài đặt lên một USB có dung lượng trống không mấy dư dả.
Sau đó chọn ổ HDD/USB mà ta muốn tiến hành cài đặt lên đó. Nếu chọn chế độ cài đặt thứ 2 hoặc 3, bạn sẽ được hỏi có tạo phân vùng swap không (bộ nhớ ảo sử dụng đĩa cứng hỗ trợ cho RAM của Linux, tương tự bộ nhớ ảo pagefile trong Window). Chỉ cần đồng ý nếu như RAM của máy bạn quá thâp (khoảng tầm 512MB ). Nhập vào mức dung lượng vừa đủ, thông thường trong Linux và Window dung lượng bộ nhớ ảo được khuyến nghị là bằng 2 lần RAM.
Sau khi đã hoàn thành tùy chọn Swap, quá trình cài đặt sẽ được tiến hành, từ bước này ta không cần phải thao tác gì thêm. Thời gian cài đặt tốn chưa đến 1 phút kể cả trên các máy cấu hình yếu.
Tháo USB/CD cài đặt và reboot máy sau khi bạn thấy thông báo cài đặt hoàn tất. Chú ý vào BIOS và đảm bảo rằng từ lúc này mainboard sẽ tiến hành boot từ HDD/USB đã được cài đặt USB chứ không phải nơi nào khác. Như ta có thể thấy, số lượng tùy chọn cấu hình lúc này giảm xuống chỉ còn 8, vì bạn đang làm việc với một OS đã được cài đặt chứ không phải LiveCD nữa.
Các cấu hình trực tiếp trên máy cài đặt NAS4Free được tối giản hết mức có thể, mọi thao tác liên quan đến các chức năng phục vụ của OS sẽ phải được thực hiện qua giao diện Web (WebUI). Tại đây ta chỉ được cung cấp một số tùy chọn hết sức căn bản để bảo đảm rằng việc kết nối đến WebUI được thành công. (Bảo đảm rằng bạn đã nắm được các khái niệm về địa chỉ mạng, DHCP, Network Interface Card .v.v. trong các bài viết trước đây trước khi cấu hình). Chú ý là thông tin về IP và NIC hiện tại đang được sử dụng sẽ hiển thị ngay phía trên.
Lựa chọn 1 cho phép ta chọn Network Interface Card (NIC) mà NAS4Free sẽ hoạt động trên đó. Việc nhận biết tên của NIC có hơi khó khăn hơn địa chỉ IP đôi chút.
Dù việc các mainboard đời cũ có 2 NIC là khá hiếm (và những ai đã lắp được NIC bổ sung thì có lẽ cũng đã sức nhận biết được tên của chúng trên đây), nhưng người dùng đã cũng được cung cấp sẵn tùy chọn auto để HĐH tự nhận biết NIC nào đang hoạt động trên mạng nội bộ nên bạn không cần quá lo lắng về bước này. Trong trường hợp bạn chưa có kinh nghiệm nhưng trên máy lại có quá nhiều NIC đang hoạt động, sau đây là một mẹo nhỏ:
Bảo đảm rằng NAS box đã được kết nối với mạng gia đình (qua switch, router). Quay về một máy pc nào đó trong nhà, bật command prompt và gõ vào arp –a để hiển thị danh sách các địa chỉ MAC tương ứng với từng IP trong mạng nội bộ. Nếu trong nhà không có quá nhiều thiết bị đang hoạt động, bạn sẽ dễ dàng tìm được MAC của NIC mà NAS box đang sử dụng thông qua IP của nó.
Với lựa chọn 2, người dùng có thể thay đổi các thông tin về IP, default gateway, DNS server... mà NAS Box sẽ sử dụng. Tương tự như trên Window hay, để nguyên các thông số mà chức năng DHCP của modem/router cấp cho máy sẽ là tiện lợi và nhanh chóng nhất. Chỉ nên thay đổi chúng khi bạn đã thực sự hiểu mình đang làm gì và nhỡ sống ở khu vực nào đó bị… cắt điện thường xuyên.
Lựa chọn 3 dùng để reset password của giao diện quản trị Web về mặc định “nas4free” trong trường hợp ta bất cẩn quên mất. Tương tự thao tác hard reset modem để lấy lại mật khẩu mặc định “admin” mà ta nhiều người thường phải làm.
Tùy chọn 4 dùng để reset mọi cấu hình của OS NAS4Free về trạng thái mặc định. Chỉ nên dùng khi nào xảy ra lỗi không thể sửa chữa được.
Sử dụng lựa chọn 5 để ping các máy khác trong nhà từ NASBox, đảm bảo rằng đường truyền đã thông suốt.
Chỉ nên sử dụng Shell (lựa chọn 6) nếu bạn không ngại làm việc với dòng lệnh. Phần lớn các thao tác cấu hình cần thiết đã được đặt trên giao diện Web, nơi chúng ta sẽ tiến hành tìm hiểu sâu hơn trong bài viết tiếp theo.
Sau khi đã hoàn thành việc cài đặt OS trên NAS box và cấu hình xong IP theo nhu cầu, thường thì chúng ta sẽ không cần sờ đến chiếc máy này nữa trừ khi có các thay đổi về mặt phần cứng (thêm ổ cứng mới, sửa chữa hỏng hóc, hard reset...).
Hãy thử bật một PC khác trong nhà lên, mở trình duyệt và gõ vào đó địa chỉ IP mà bạn đã đặt cho NAS box (nếu để mặc cho DHCP của modem/router làm việc thì gõ vào IP được hiển thị tại màn hình chính của NAS box). Một khi giao diện đăng nhập đã xuất hiện, bạn có thể an tâm tháo bỏ màn hình và bàn phím khỏi máy NAS, cất gọn vào 1 góc và quay về cấu hình trên máy PC thường dùng.
Giao diện cấu hình Web của NAS4Free làm việc mặc định trên port 80. Vì vậy nếu có trục trặc xảy ra thì bạn chỉ cần thực hiện các thao tác kiểm tra xoay quanh IP và NIC. Kiểm tra lại xem các cổng kết nối đã sáng/cắm đúng vị trí chưa, IP gõ vào đã chính xác chưa, ping thử trên 2 máy để xem đã thông nhau chưa...
Mật khẩu và Password mặc định để đăng nhập là admin và nas4free. Nhớ là luôn luôn đổi các mật khẩu mặc định này sau lần đăng nhập đầu tiên để đảm bảo an toàn cho dữ liệu của bạn.
Các mục cấu hình chính của giao diện Web này bao gồm:
System: Chứa các cấu hình thông số hệ thống, bao gồm hostname, admin password, timezone, backup & restore, các gói plugin... Thông tin proxy (nếu mạng nhà bạn có sử dụng) cũng cần được cấu hình qua đây chứ không đặt trong mục network.
Network: Chứa các cấu hình kết nối mạng. Bao gồm IP, NIC, Firewall...
Disk: Các cấu hình về lưu trữ. Từ định dạng ổ đĩa, các cấu hình RAID đến các cấu hình cao cấp như ZFS và mã hóa dữ liệu.
Services: Tắt, bật và cấu hình chi tiết cho các dịch vụ mà bạn muốn NAS box cung cấp cho mạng gia đình. Đáng chú ý nhất cần kể đến webserver, UPnP, BitTorrent, Dynamic DNS và FTP. Tuy có rất nhiều dịch vụ được cung cấp đi kèm, nhưng chỉ nên bật những gì bạn thực sự cần sử dụng để đảm bảo hiệu năng cho NAS box. Ngoài ra, tìm hiểu kỹ về chúng trước khi cấu hình để đạt kết quả tốt nhất.
Access: Tạo các user và group user với quyền hạn khác nhau để tiện cho việc quản lý. Nếu bạn không có sẵn khái niệm về Active Directory và LDAP trong đầu, lời khuyên tốt nhất là đừng động đến các cấu hình này, vì nhiều khả năng là bạn sẽ chẳng bao giờ phải dùng đến chúng. Ngay cả việc tạo user và group, cũng như phân quyền khác nhau cho user cũng chỉ hữu dụng nếu bạn muốn cho người thân trong nhà truy cập giao diện quản trị của NAS box, nhưng chỉ với một vài quyền hạn nhất định. Ngược lại nếu bạn là người duy nhất chịu trách nhiệm cho việc cấu hình các máy móc trong nhà, có thể bỏ qua hoàn toàn phần Access.
Diagnostics: Thông tin tình trạng hệ thống. Các log file chủ yếu hữu dụng khi bạn cần hỗ trợ kỹ thuật trên diễn đàn của NAS4Free. Nhưng các thông tin về tình trạng phân vùng, đĩa cứng, RAID... Trong phần Information sẽ rất hữu dụng khi ta cần tự tìm lỗi. Công cụ ping/traceroute và ARP, route table đi kèm cung cấp các thông tin cần thiết khi việc kết nối từ một máy nào đó đến NAS box của bạn gặp trục trặc.
Nhìn chung, tuy là một hệ điều hành đơn giản nhưng NAS4free cung cấp rất nhiều tùy chọn và chức năng. Việc cấu hình step by step theo các hướng dẫn vẫn sẽ cho kết quả nào đó, nhưng làm như vậy bạn sẽ mất đi khả năng tùy biến theo nhu cầu của mình. Để có thể thực sự tận dụng được hết các dịch vụ đi kèm hay các chức năng như ZFS, Software RAID... cách tốt nhất là người dùng nên tìm hiểu sơ qua về các công nghệ này. Trong phạm vi bài viết lần này, chúng ta sẽ chỉ khởi đầu với các cấu hình cơ bản nhất giúp bạn có thể truy cập và sử dụng dữ liệu trên NAS box từ các thiết bị khác trong nhà.
Cấu hình đĩa cứng
Không như trên Windows khi mà ta chỉ cần tạo một phân vùng đĩa cứng, cắm vào máy là đã có thể sử dụng, để sử dụng một ổ đĩa mới trên NAS4free, người dùng cần thực hiện một vài thao tác cấu hình cơ bản trước. Vàodisk> management> add disk (dấu cộng bên tay phải), bạn sẽ thấy màn hình cấu hình như sau:
Disk: Việc chọn ổ đĩa sẽ không quá khó khăn, dựa theo tên mà hãng sản xuất đặt sẵn trên firmware của ổ cứng đó, đôi lúc đã bao gồm cả dung lượng để phân biệt. Nếu các cổ của bạn cùng một hãng sản xuất và có tên quá khó phân biệt thì có một số mẹo như tìm thử thông tin như S/N, P/N trên vỏ hộp để đối chiếu.
Description: Mô tả về ổ. Nhập vào bất cứ thứ gì bạn cho là dễ nhớ.
Transfer mode: Direct memory access, Programmed input/output...
Hard disk standby time: Thời gian chờ để đặt các ổ đĩa vào trạng thái nghỉ sau lần truy cập cuối (stand by). Đừng đặt quá cao để tránh lãng phí năng lượng không cần thiết, nhưng cũng đừng đặt quá thấp nếu như bạn phải thường xuyên/nhiều lần truy cập dữ liệu trên NAS box trong mỗi phiên làm việc/giải trí (cần phân biệt với việc truy cập thường xuyên/nhiều lần với việc truy cập liên tục). Theo PC World, con số cân đối có lẽ là khoảng 30-60 phút. Lưu ý là ổ đang ở trạng thái stand by sẽ mất một khoảng thời gian mới có thể hoạt động như bình thường mỗi lần bạn muốn truy cập dữ liệu, hãy tự cân đối theo nhu cầu của bản thân.
Advance power managerment: Chức năng cân đối giữa điện năng tiêu thụ/hiệu năng của đĩa cứng. Level 1 cho mức tiêu thụ thấp nhất nhưng tốc độ truy cập dữ liệu cũng vì thế mà sẽ ở mức chậm nhất. Mức cao nhất sẽ cho tốc độ tốt nhất nhưng cũng vì thế mà đốt nhiều tiền điện nhất. Lưu ý là với các level có ghi “without standby”, con số standby time bạn vừa chọn sẽ không có hiệu lực.
Acoustic level: Cân đối giữa độ ồn/hiệu năng. Với các ổ đã được cân đối sẵn như WD Blue, Seagate thì chức năng này là không cần thiết. Nhưng với WD Black thì có thể bạn sẽ cần đến việc chỉnh Acoustic level.
2 tùy chọn về công nghệ tự theo dõi của ổ cứng S.M.A.R.T chỉ nên được sử dụng khi bạn hiểu và biết cách tận dụng công nghệ này. Dù bạn không nắm chắc, bật S.M.A.R.T bằng cách tích vào ô lựa chọn để có thông tin hữu ích khi cần hỏi người khác cũng không hại gì, nhưng nên nhớ rằng mỗi một chức năng thêm vào đều tiêu tốn một phần nhỏ điện năng/hiệu năng.
Preformatted file system: Hết sức thận trọng với tùy chọn này. Đây là nơi chọn định dạng file system của ổ đĩa nếu bạn đã thực hiện thao tác format ổ cứng này trước đó rồi. Nếu chưa, nên nhớ đây không phải nơi thực hiện format, chọn “Unformatted” sau đó truy cập để thực hiện thao tác format. Nếu trong phần cài đặt, bạn thực hiện dạng cài đặt Embedded thứ nhất, ổ cứng đó sẽ chỉ có thể sử dụng làm nơi chạy NAS4Free và không thể được add vào đây. Nhưng với tùy chọn Embedded thứ 2 hoặc “Full”, phần còn lại của ổ cứng đã được định dạng UFS, vì vậy hãy chọn ở đây là UFS.
Sau khi đã cấu hình xong và nhấn Add, nên nhớ các thay đổi của bạn vẫn chưa được lưu. Mọi cấu hình trên NAS4free cần được xác nhận bằng thao tác nhấn “Apply Changes” và việc thêm ổ cũng không ngoại lệ. Sau khiApply changes, nếu thấy phần Status chuyển từ Initializing sang Online là ta đã hoàn thành việc thêm ổ cứng vào cho NAS4free quản lý.
Trong Menu Format, phần cần lưu ý nhất là “File system”. Nên sử dụng định dạng mặc định của NAS4free là UFS nếu muốn đọc/ghi dữ liệu thường xuyên. Các khuyến cáo trên trang chủ của sản phẩm này cho biết tuy NTFS, FAT32 và EXT2 vẫn được hỗ trợ nhưng chỉ nên được dùng ở dạng read-only.
Và xin nhắc lại một lần nữa là đây không phải Windows, chúng ta còn cần một thao tác nữa – mount các phân vùng – mới có thể sử dụng ổ vừa thêm vào. Vào Disk > Mount point > Add.
Type: Disk vì chúng ta đang mount một ổ đĩa cứng.
Disk: Chọn ổ đĩa bạn vừa thêm vào để mount.
Partition type: Với những ai ngại đọc dài dòng và chưa nắm được khái niệm partition table: Chọn MBR. Cụ thể hơn, chúng ta đang xây dựng NAS box từ một dàn máy với mainboard cũ – gần như 100% sẽ sử dụng BIOS chứ chưa có UEFI, vì vậy nhiều khả năng một ổ đĩa được phân vùng bằng GPT sẽ không ổn định hoặc tệ nhất là không hoạt động. Lưu ý điều này nếu bạn muốn tự phân vùng/format đĩa cứng trước khi lắp vào NAS box (format trên NAS4free tuy vẫn sử dụng GPT nhưng có vẻ đa số trường hợp không có trục trặc gì đáng kể). Tùy chọn còn lại là CD/DVD thì quá hiển nhiên.
Partition number: Thứ tự của phân vùng mà bạn muốn mount để đưa vào sử dụng trên ổ đĩa vừa chọn, một điểm nhấn nữa cần lưu ý. Như đã nói ở trên và trong bài viết lần trước, cách cài đặt Embedded thứ 2 hoặc “Full”sẽ tạo một phân vùng để chạy OS NAS4free và một phân vùng để lưu dữ liệu. Vì vậy nếu bạn đang mount từ ổ này, con số chính xác ở đây phải là “2” chứ không phải 1 như mặc định.
Ngoài ra cũng lại lưu ý một lần nữa, những ai muốn tự format ổ cứng trước khi lắp vào NAS box sẽ cần nhớ chính xác số lượng, thứ tự, định dạng file system của từng phân vùng để khai báo cho phù hợp tại đây (chưa kể đến trường hợp bạn nhỡ format một phân vùng nào đó về định dạng mà NAS4free không hiểu được). Nếu muốn tránh cấu hình dài dòng thì cách tốt nhất là trước khi lắp ổ cũ sang NAS box, bạn sử dụng các công cụ như Acronis disk director để xóa hết các phân vùng hiện tại trên đó đi (các ổ mới chưa được phân vùng vì vậy có thể lắp trực tiếp luôn). Sau đó sử dụng công cụ format của NAS4free, với cách này mỗi ổ cứng sẽ chỉ gồm một phân vùng (partition number mặc định sẽ là 1) và bạn luôn chắc chắn rằng NAS4free nhận ra được định dạng của phân vùng đó.
Mount point name & desc: Tên và mô tả để dễ nhớ. Ở đây nên đặt theo dạng dữ liệu mà bạn định lưu trên đó, ví dụ “Hollywood”, “Lossless” hay “JAVa”...
Read-only: Không thể ghi dữ liệu lên một mount point được đặt dưới dạng read-only.
File-system check: Đừng bỏ qua bước kiểm tra dữ liệu này, để nguyên trạng thái tích sẵn như vậy.
Các tùy chọn về Access Restriction sẽ cần được nói riêng cụ thể hơn, ở đây chúng ta để ở dạng mặc định và click Add.
Sau khi Apply changes, nếu trạng thái Mount point là “ok” là ta đã sẵn sàng để chia sẻ dữ liệu.
Hướng tới Services. Nếu bạn đang sử dụng Window, click vào CIFS/SMB, hoặc AFP đối với các sản phẩm của Apple. Phần lớn cấu hình của các dịch vụ này không cần được thay đổi gì nhiều, tích vào check box trên cùng bên tay phải, apply và chờ một lát để NAS4free restart là ta đã có thể thấy máy này hiển thị trên share group của Window hoặc Mac.
Nếu muốn truy cập thử, bạn có thể chọn Authentication và Max protocol như sau để có thể dùng dữ liệu trong NAS box mà không cần username hay password. Nhưng tốt nhất là đừng bỏ qua bước xác thực này. Dù sao thì, chúng ta cũng còn nhiều điều để nói chứ chưa thể nghịch ngợm với dữ liệu trên đó ngay được.
No comments:
Post a Comment