Công, Dung, Ngôn, Hạnh - Xưa và Naybài đọc sưu tập
| ||||
Theo quan niệm xưa, Công là sự khéo léo của phụ nữ trong công việc gia đình, phải biết sắp xếp công việc hợp lý, làm việc gì cũng phải chu đáo. Má tôi kể ngày xưa ông ngoại là nhà nho, mọi việc trong nhà đều do một tay bà ngoại tôi quán xuyến. Bà ngoại tôi trông coi cả một cơ ngơi rộng lớn với mấy chục người làm. Bà tổ chức nào trồng dâu nuôi tằm, rồi dệt vải. Cả việc chăm lo vườn tược, đồng áng cho đến nuôi bầy heo, bầy gà… Vườn tược, đất đai của nhà nhiều, người làm cũng nhiều nhưng không chuyện gì mà không qua tay bà! Má tôi thừa hưởng được cái thông minh, ham học của ông ngoại lại thêm cái quán xuyến đảm đang của bà ngoại, vì vậy từ nhỏ cho đến lấy chồng có con, bà học gì cũng rất nhanh và rất giỏi. Về làm dâu một gia đình quan lại như gia đình ba tôi nên má tôi thông thạo các món bánh, mứt và nhiều món ăn miền Trung nói chung và của Huế nói riêng. Không chỉ khéo léo về nữ công gia chánh, đảm đang nội trợ, má tôi còn có tài vén khéo, nuôi dạy con cái khỏe mạnh, chăm ngoan và biết đối nhân xử thế khiến từ trong gia đình, họ hàng đến hàng xóm láng giềng, ai nấy cũng đều yêu mến, cảm phục. Tôi còn nhớ khi còn trẻ, có năm gần đến Tết, tôi vừa được nghỉ học, nên đi đến nhà bạn bè chơi cả một buổi. Hồi đấy, Tết đến là má tôi chuẩn bị gần cả tháng, nào làm dưa, làm bánh, mứt rồi gói bánh, kho thịt, dọn dẹp nhà cửa nên bận rộn lắm! Thế mà tôi bỏ đi chơi cả buổi trời! Năm đó về đến nhà tôi bị má la một trận tơi bời mà cũng… nhớ đời! Má tôi bảo: “Là con gái, những ngày này phải ở nhà lo dọn dẹp nhà cửa, làm bánh trái thức ăn. Những ngày này mà đến nhà người ta, họ cũng sẽ đánh giá là con gái hư, những ngày cận Tết thế mà không biết ở nhà lo việc gia đình mà chạy đi chơi rông!”. Lời dạy của má tôi nhớ cho đến tận bây giờ, khi con cái đã lớn bằng tuổi tôi thuở ấy. Đến giờ, ngày cận Tết mà có việc phải đến nhà ai, dù là chỗ thân tình hay phải thăm hỏi xã giao, tôi cũng nói chuyện ngắn và cáo từ để về còn lo nhà cửa đón Tết! Ngày nay, phụ nữ bận rộn nhiều hơn với công việc xã hội và tư tưởng bình đẳng về giới cũng ảnh hưởng ít nhiều đến suy nghĩ của họ. Nhiều cô gái lại trở nên cực đoan trong quan niệm về chữ Công của người phụ nữ. Họ cho rằng họ đã làm tốt công việc xã hội như nam giới, vậy tại sao lại phải đảm đương thêm việc nhà, phải cơm nước bếp núc chu toàn và chăm sóc con cái? Quan niệm như vậy cũng không hoàn toàn sai, chữ Công ngày nay không chỉ dành cho người phụ nữ mà ngay chính nam giới cũng cần ý thức được việc làm tròn chữ Công. Tuy vậy thiên chức của phụ nữ vẫn là khéo léo, tề gia nội trợ. Người phụ nữ làm tròn chữ Công ngày nay là người biết khéo léo tổ chức công việc gia đình sao cho tất cả các thành viên khác đều tham gia, họ không gánh vác tất cả các công việc này một mình như phụ nữ thời xưa nhưng họ phải là người tổ chức và tạo được không khí ấm cúng của gia đình. | ||||
...Vẫn cần Dung, Ngôn, Hạnh Khi dạy chữ Ngôn cho chúng tôi, má tôi thường bảo: “Trước khi nói gì thì phải biết uốn lưỡi bảy lần!. Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói là lời khuyên không chỉ cho người phụ nữ mà còn là chân lý cho việc học làm người: biết cân nhắc trong lời ăn tiếng nói, không quá lời lúc nóng giận, không ba hoa khi hứng chí, không đãi bôi, giả dối khi giao tiếp. Trong công việc, phụ nữ thường dễ dàng thành công hơn nếu biết nói năng lịch thiệp, khéo léo, thông minh và có kiến thức. Trong gia đình, lời nói dịu dàng sẽ làm không khí nhẹ nhàng, ấm cúng và góp phần làm tan biến sự mệt nhọc, căng thẳng sau những giờ làm việc ở cơ quan của các thành viên khác. Nếu chữ Công và chữ Ngôn luôn được má tôi chú ý bảo ban các con, thì ba tôi lại hay nhắc nhở con gái về chữ Dung và chữ Hạnh. Quan niệm từ ngày xưa đã không đơn giản xem chữ Dung là dung mạo, mà còn phải là sự biểu hiện luôn tươi tắn, không ủ dột trên nét mặt, là việc chăm chút cho mái tóc, hàm răng và cả trang phục. Hạnh thể hiện phẩm chất đạo đức của người phụ nữ. Ngày xưa đó là sự mực thước, nghiêm trang trong dáng đứng, bước đi, là sự thủy chung, yêu chồng, thương con, giàu lòng nhân ái, hy sinh cho người khác. Phụ nữ thời nay được tự do hơn, tuy vậy, chữ Hạnh vẫn cần được chú trọng trong giao tiếp, trong làm việc, không quá tự nhiên thành suồng sã, không thể hiện cá tính bằng cách nói oang oang ở chỗ đông người. Đứng ngồi tuy không phải khép nép nhưng cũng cần có ý tứ. Trong ăn uống, thấy thức ăn gần hết, biết dừng lại để nhường cho người khác trong mâm. Nếu là phụ nữ trong gia đình, bao giờ cũng phải ngồi gần nồi cơm để xới cơm cho cả nhà và quan sát để biết khi nào cơm gần hết thì dừng lại hoặc đi nấu thêm. | ||||
Chữ Công, Dung, Ngôn, Hạnh theo lễ giáo của cha ông thời xưa là chuẩn mực đạo đức của người phụ nữ trong giai đoạn trước đây. Nó là những chuẩn mực cần phải được trân trọng, kế thừa và phát huy, tuy vậy bản thân nó cũng là những ràng buộc khe khắc. Người phụ nữ ngày nay, ngoài trách nhiệm trong gia đình, khi ra làm việc ngoài xã hội, họ còn là những công dân. Khi đó thì chỉ riêng việc biết sống có trách nhiệm với cộng đồng, có ước mơ, hoài bão và biết nỗ lực trong công việc cũng đã là thể hiện các phẩm chất đạo đức của chữ Công, chữ Hạnh rồi. Trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, thước đo của xã hội về chuẩn mực đạo đức cũng có sự đổi khác. Vì vậy khi xét về Công, Dung, Ngôn, Hạnh của người phụ nữ, ta cũng cần có sự hiểu biết nhất định về hoàn cảnh lịch sử của các giai đoạn này mà có cách ứng xử cho phù hợp. Sự kế thừa và phát triển thêm những giá trị đạo đức này để có thể phù hợp với thời đại cũng là vấn đề mà mọi người phụ nữ nói riêng cũng như toàn xã hội quan tâm. " Ngày nay, người phụ nữ làm tròn chữ Công là người biết khéo léo sắp xếp việc nhà, họ không gánh vác tất cả các công việc như phụ nữ thời xưa nhưng phải là người tổ chức và tạo được không khí ấm cúng trong gia đình ". | ||||
Saturday, March 16, 2013
Công, Dung, Ngôn, Hạnh - Xưa và Nay
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment