Thursday, September 6, 2012

[Xe máy] Tìm hiểu về các loại mũ bảo hiểm hiện nay


helmets.jpg

Mũ bảo hiểm (MBH) là một thứ vô cùng quan trọng và cần thiết dành cho người đi xe (xe đạp,xe máy, đua ô tô). Nó là thứ giúp bạn không bị chấn thương sọ não nếu gặp tai nạn xe cộ, giúp bạn không bị gió táp vào mặt khi chạy nhanh và cũng giúp cho ngoại hình của bạn trở nên đẹp hơn, ngầu hơn. Có nhiều loại MBH với chức năng bảo vệ khác nhau, tùy vào bạn hay chạy xe ở đâu mà chọn cho mình một chiếc nón cho phù hợp.

Thiết kế chung của hầu hết các loại MBH là có lớp vỏ bằng nhựa, sợi thủy tinh hoặc Kevlar... bên trong được lót bọt xốp có tác dụng hấp thụ lực tác động lên nón khi bị va đập mạnh. Loại bọt xốp này sẽ giảm tác dụng hấp thụ lực sau một thời gian sử dụng hoặc sau khi bị va đập nên chúng là loại sản phẩm "chỉ dùng một lần", tức là nếu bạn đã từng bị tai nạn và đập mạnh đầu lên các vật cứng thì tốt hơn hết là bạn nên mua một chiếc nón khác. Dù cho nón của bạn bề ngoài có vẻ còn mới nhưng lớp bọt xốp bên trong có thể đã không còn tác dụng hấp thụ lực cho các tai nạn sau này nữa.

1. Nón nửa đầu (còn gọi là nón 1/2, Half-Face)

[IMG]
Một số kiểu nón nửa đầu 1/2

Là loại nón chỉ che một nửa đầu phía trên, chúng rất phổ biến trên đường phố Việt Nam. Đây là loại nón có tính chất bảo vệ thấp nhất do nó chỉ che chở được nửa phần đầu phía trên của chúng ta. Các vùng khác như sau ót, vùng mặt, tai và cằm đều có thể bị tổn thương nặng nề khi gặp tai nạn. Tuy nhiên loại nón này lại rất được ưa chuộng bởi trọng lượng nhẹ, thông thoáng và có kích thước nhỏ gọn, tiện lợi để mang theo.

Nón nửa đầu chỉ thích hợp để đi trong thành phố với tốc độ chạy xe chậm. Không thích hợp để đi xa hay chạy xe với tốc độ quá nhanh. Loại nón này còn có ưu điểm là có thể dùng với tai nghe có dây, tai nghe Bluetooth vì vùng tai của người đội không bị che kín.

2. Nón 3/4 đầu (Open-Face)


[IMG]
Nón 3/4

Nón 3/4 có nghĩa là nó che chở được 3/4 cái đầu của chúng ta, bao gồm đỉnh đầu, sau ót và 2 tai của người đội. Với tỷ lệ bao phủ lớn hơn nón 1/2 nên tất nhiên là nó sẽ bảo vệ đầu chúng ta được tốt hơn. Đa số các nón 3/4 đều có kính chắn gió lớn ở phía trước nên nó cũng có tác dụng ngăn không cho gió táp vào mặt của người lái. Tuy nhiên khi chẳng may gặp tai nạn thì nó sẽ không bảo vệ vùng cằm của bạn được.

Loại nón này thích hợp cho người hay đi xa nhưng vẫn thường đi lại trong thành phố, chúng không quá cồng kềnh như loại nón trùm kín đầu và cũng khá thông thoáng như loại nón 1/2. Do loại nón này trùm kín tai của người đội nên có thể bạn sẽ rất khó khăn nếu có ý định dùng chung với các loại tai nghe có dây hoặc không dây.

3. Nón trùm kín đầu (Full-Face)

[IMG]
2 mẫu Full-Face của hãng Shoei và HJC. Mẫu bên trái có kính visor thứ hai bên trong

Đây là loại nón bảo vệ tốt nhất cho người đội vì nó sẽ phủ kín đầu của chúng ta, bao gồm cả vùng mặt và cằm. Chính vì vậy mà nó khá bất tiện khi đội trong thành phố vì kích thước to, nặng, cồng kềnh và kém thông thoáng. Việc bổ sung phần bảo vệ cằm là rất quan trọng bởi vì theo nghiên cứu cho biết, 35% số vụ tai nạn xe máy làm cho vùng cằm của người lái bị tổn thương rất nặng nề.

Nhiều người cho rằng đội nón này nóng và hầm, tuy nhiên đa số các nón Full-Face (FF) hiện nay đều được thiết kế hệ thống lưu thông khí khá tốt nên không còn cảnh vừa đội nón vừa đổ mồ hôi nữa (trừ khi bạn chạy xe quá chậm giữa trời nắng chang chang). Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu đi phượt, đi tour của anh em mô tô, các hãng sản xuất MBH cũng cho ra đời nhiều loại nón FF có chất lượng tốt đồng thời vẫn đảm bảo được tính thẩm mỹ cao, trọng lượng nhẹ (khoảng 1kg) chứ không đến nỗi quá to và cồng kềnh.

Phía trước nón FF luôn có một cái kính to dùng để che chắn (tiếng Anh gọi là Visor). Kính này có thể chống nắng hay chống tia cực tím, tùy loại. Một số nón còn ưu ái trang bị thêm một kính Visor nhỏ thứ hai nằm phía trong nón, ngay trước mắt người đội, có thể kéo lên hạ xuống dễ dàng để tăng cường khả năng chống chói của nón.

[IMG]
Một chiếc nón FF sau khi bị tai nạn, bạn có thể thấy vùng mặt và cằm bị va đập khá nhiều. Ảnh: Wikipedia

Đây là loại nón rất cần thiết cho những ai đi xe phân khối lớn vì nó giúp cho người lái không bị gió táp vào mặt gây mệt mỏi, buồn ngủ và dễ gây ra tai nạn. Khi không bị gió táp vào mặt thì người lái cũng an tâm mà... chạy nhanh hơn. Bình thường nếu bạn không đội nón FF mà chạy với tốc độ cao chừng 100km/h là có khi "nước mắt nước mũi chảy tùm lum", trong khi nếu có đội FF thì bạn sẽ thấy rất là bình thường, có thể chạy với vận tốc trên 100km/h mà vẫn cảm thấy người rất ổn định (không bàn đến loại xe mà bạn đang chạy).

Giống như nón 3/4, nón FF cũng có nhược điểm là khó dùng chung với các loại tai nghe trừ khi bạn dùng các loại tai nghe được thiết kế riêng dành cho MBH.

4. Nón Modular (Flip-up)
Đây là loại nón kết hợp giữa nón FF và nón 3/4. Về cơ bản thì nó là một chiếc nón FF có phần bảo vệ cằm đầy đủ. Tuy nhiên nó đặc biệt ở chỗ phần bảo vệ cằm có thể được kéo lên qua khỏi đầu, biến chiếc nón lại thành 3/4 khá tiện lợi.

[IMG]
Nón flip-up Sy-Max III của HJC

5. Nón "cào cào" (Off-road, Motocross)
Là loại nón dùng trong các cuộc đua xe địa hình trên những chiếc xe cào cào (Motocross). Chúng rất giống nón FF nhưng có vành lưỡi trai và phần bảo vệ cằm dài hơn nhiều dùng để che nắng tốt hơn và chống đất đá bay vào mặt hay miệng của người lái. Do tính chất của đua xe địa hình là chạy trên các đoạn đường sình lầy, đất xấu, nhiều sỏi đá nên người ta phải thiết kế như vậy để bảo vệ tối đa vùng mặt của người đội nón.

[IMG]
Nón bảo hiểm Off-road

No comments:

Post a Comment