Thursday, August 30, 2012

CON RANH CON LỘN LÀ GÌ ?


CON RANH CON LỘN

LÀ GÌ ?

Trong dân gian Việt Nam con ranh, con lộn là tiếng để gọi con cái sinh ra khó nuôi, thường khi sanh ra vài tháng thì lại chết. Ðặc biệt những người mẹ có con trong trường hợp này lại rất mau có thai trở lại, nhưng khi sanh đứa con thứ hai thì đứa bé này cũng èo ọt, đau ốm hoặc lại chết. Thường khi phải 3 hay 4 lần xảy ra như vậy. Có nghĩa rằng người mẹ khốn khổ này phải chịu đau khổ vì những đứa con sinh ra đều chết và đôi khi sự chết của người con xảy ra cùng trong khoảng một thời gian nào đó giống nhau. Thường thì người con sinh ra khoảng 5 tháng sau thì chết. Ðây là một vấn đề kỳ lạ mà chính các nhà y học cũng chưa giải thích được thỏa đáng….
Giải thích chuyện con ranh, con lộn
Theo quan niệm người xưa và nhất là những người tin vào thuyết luân hồi nghiệp báo thì con ranh con lộn chính là chứng tích của những nghiệp quả mà cha mẹ đứa bé đã gây nên ở tiền kiếp. Có nghĩa rằng ở kiếp trước cha mẹ đứa bé đã làm điều ác nên phải chịu hình phạt ấy. Có thể người mẹ, người cha đã làm hại con cái kẻ khác, hành nghề phá thai hay cố ý làm cho kẻ khác bị hư thai v.v… Giờ đây kẻ đã gây tội lỗi ấy phải chịu quả báo…
Giải Thích Theo Truyền Thuyết Quỷ Phạm Nhan
Theo quan niệm trong dân gian của người Việt Nam thì những người đàn bà nào có sinh đẻ nhưng không nuôi được con là do bị tà ma hay hồn ma theo đuổi. Tà ma là những vong hồn người chết thường vì lẽ gì đó, theo đuổi ám ảnh khiến người đàn bà ấy không thể gần gũi chồng hoặc nếu có gần gũi phối hợp với chồng và có thai thì khi sinh con, đứa con cũng không sống được bao lâu. Vì những đứa con này thường có sự pha hợp với những vong linh theo ám ảnh người đàn bà nên rất khó sống.
Cũng theo quan niệm trên thì có thể người đàn bà này kiếp trước có chồng và 2 vợ chồng lúc đó gặp trắc trở éo le không sống được bên nhau nên ở kiếp này người chồng của kiếp trước quyết tâm theo đuổi ám ảnh không thôi. Ðôi khi người chồng lại bị người vợ kiếp trước ám ảnh. Vì thế mà cặp vợ chồng ở kiếp này khó có con để nối giòng. Ngoài ra, cũng theo quan niệm trên, ngay ở kiếp hiện tại người vợ người chồng trước khi cưới nhau thì một trong hai người đã thề ước với một người khác nhưng vì người ấy chết bởi tai nạn, bệnh hoặc tự vận nên vong hồn người ấy cứ theo đuổi ám ảnh người vợ hay người chồng khiến họ khó có con hay nếu có sinh con thì cũng khó sống. Người xưa tin rằng sỡ dĩ có con ranh con lộn là do quỷ Phạm Nhan gây ra.
Theo truyền thuyết này thì Phạm Nhan tên thật là Nguyễn Bá Linh là con của hai vợ chồng sống tại huyện Ðông Triều tỉnh Hải Dương (đầu đời Trần). Mẹ Linh là người Việt còn cha là người Tàu (Phúc Kiến). Khi Linh khôn lớn người cha đem về Tàu để học thì Linh rất sáng trí khôn ngoan. Về sau đỗ tiến sĩ (đời nhà Nguyên). Nguyễn Bá Linh còn học được phép phù thủy nên trở nên kiêu ngạo thường làm nhiều điều phạm pháp và bị triều đình nhà Nguyên xử phạt tử hình.
Gặp lúc quân Nguyên đang chuẩn bị sang đánh Việt Nam, Nguyễn Bá Linh xin được làm tiên phong để chuộc tội. Vua Nguyên đồng ý. Nhờ tài phù thủy, Nguyễn Bá Linh thắng nhiều trận nhưng trong trận phong thủy chiến ở sông Bạch Ðằng, Nguyễn Bá Linh bị một danh tướng Việt Nam là Yết Kiêu có tài lặn sâu và lâu dưới nước, đêm khuya lẻn lên thuyền bắt sống và dùng dây thừng 5 màu (dây ngũ sắc) trói lại. Nguyễn Bá Linh bị đóng củi đưa về tỉnh Hải Dương chém. Nhờ phép phù thủy, Linh làm nhiều điều kỳ dị khiến tả đao khiếp sợ không dám chém vì chém đầu xong thì đầu khác lại mọc ra. Chuyện lạ được cấp báo lên Hưng Ðạo Vương, ngài liền đích thân gặp Nguyễn Bá Linh và rút kiếm báu của mình ra phạt ngang một đường trước mặt Linh. Ðường gươm vút đi như lưỡi tầm sét khiến Linh kinh hãi biết mình khó toàn tính mạng nên cất tiếng hỏi :
- Trước khi chết phải dọn mâm cỗ cho tôi ăn chứ ?
Hưng Ðạo Vương cả giận thét lên :
- Mày là đồ phù thủy xấu xa, chỉ có máu huyết người đàn bà sinh đẻ dành cho ngươi uống trước khi chết mà thôi.
Nói xong Hưng Ðạo Vương trao kiếm cho Ðao Phủ để chém đầu Nguyễn Bá Linh.
Sau khi Linh chết, đầu được cho vào một cái giỏ mây đem liệng xuống sông Thanh Lương. Dân chài quẳng lưới bắt cá thấy đầu Bá Linh mắc vào lưới, và lần nào cũng vậy. Sợ quá họ đem chôn đầu của Bá Linh ở cạnh bờ sông. Từ đó Nguyễn Bá Linh thường trở về vùng Ðông Triều tác oai tác quái. Vì căm giận lời nguyền rủa của Hưng Ðạo Vương, Nguyễn Bá Linh bắt đầu ám ảnh và gây bất trắc cho phụ nữ trong vùng. Khiến vô số sản phụ bị chứng sản hậu, xuất huyết, bị bệnh về đường kinh nguyệt và sinh dục và nhất là sinh con yểu tử v.v…
Những người tin vào sự tích này đã dùng câu chuyện này để giải thích hiện tượng con ranh, con lộn.
Và câu chuyện dưới đây là trường hợp con ranh, con lộn.
Hai vợ chồng ông Marius Freres sống tại Lyon (Pháp) sinh hạ một bé trai vào tháng 2 năm 1950. Ðứa bé chỉ sống được 3 tháng thì mất. Ðứa con thứ hai sinh vào tháng 12 năm đó (sanh sớm) nhưng cũng chỉ sống được 3 tháng.
Một bác sĩ Pháp, ông Maurice quan tâm hiện tượng này khi thấy đứa con thứ 3 của hai vợ chồng Marius Freres lại sanh sớm hơn các thời gian sanh con bình thường và đứa con này cũng chỉ sống được có 3 tháng 10 ngày rồi mất. Bệnh viện Lyon lưu trữ hồ sơ này và cuộc khám nghiệm tử thi đứa bé cùng 2 tử thi trước đó được tiến hành kỹ lưỡng. Một chuyên viên giải phẫu đã tìm thấy một dấu vết màu xám nâu rất nhỏ bằng đầu chiếc đủa nằm ở trong nách đứa bé. Ðặc biệt dấu vết này đều xuất hiện ở cả 3 đứa bé và cùng ở tại một vị trí giống nhau là phía trong nách rất khó phát hiện.
Ðiều kỳ lạ là trước đó hai vợ chồng này sống cuộc đời bình dị nếu không nói là nghèo. Nhưng trước khi họ sinh đứa con đầu lòng độ hai năm thì dân quanh vùng thấy hai vợ chồng ăn xài sang trọng và mua một xe hơi bóng loáng loại đắt tiền.
Năm 1953, bỗng nhiên cảnh xát Pháp ập vào nhà 2 vợ chồng ông bà Marius Freres lục soát và đào bới khắp nơi. Cuối cùng họ tìm thấy vô số nữ trang và tiền bạc. Nhưng điều kinh dị là dưới lò sưởi, cảnh xát đào lên xác một người đàn bà bọc trong một tấm drap, khám nghiệm tử thi, các chuyên viên điều tra thấy một dấu vết thâm tím trong nách người đàn bà ấy. Hai vợ chồng Marius Freres bị bắt.
Họ khai là đã dùng độc dược chích vào nách người đàn bà này sau khi chụp thuốc mê bà ta để đoạt viên kim cương đáng giá. (Bà này là dì ruột của ông Marius). Hai vợ chồng đã gọi điện thoại cho bà này và yêu cầu bà đến chơi luôn tiện giúp bà thử nghiệm lại viên kim cương vì bà ta nghi là có giả mạo. Ông Marius là một người giầu kinh nghiệm về kim hoàn vì trước đó mấy năm, ông ta giúp việc cho một cửa tiệm kim hoàn nhưng bị thải hồi vì tánh ông quá thô lỗ cộc cằn.
Tội lỗi hai vợ chồng đã rành rành. Cuộc điều tra tội phạm khởi sự khi đứa cháu nạn nhân đến khai với cảnh sát là bà này đã đến Lyon và mất tích không còn liên lạc gì về gia đình. Cảnh sát đã phanh dần các mối dây liên hệ và tìm đến nhà hai vợ chồng Marius Freres thăm dò lần đầu bằng cách đột nhập vào nhà và thấy có những dụng cụ khả nghi cũng như chất hoá học lạ dấu sau cánh cửa giả. Riêng đối với các bác sĩ theo dõi hồ sơ những đứa con liên tiếp của ông bà Marius chết yểu và dấu vết lạ lùng xuất hiện ở trong nách cả 3 hài nhi, họ cảm thấy có cái gì đó hết sức kỳ dị lạ lùng, đầy vẻ huyền bí khi biết thêm rằng nạn nhân bị chôn dưới lò sưởi cũng có dấu vết y hệt đó. Tại sao lại có sự trùng hợp hết sức lạ kỳ đó ? Ðã có sự liên hệ nào giữa nạn nhân bị giết một cách mờ ám với 3 hài nhi này ?
Con ranh, con lộn ở nước Anh và Việt Nam
Ðối với những nhà nghiên cứu về tiền kiếp và dùng phương pháp của giấc ngủ thôi miên để tìm về quá khứ xa xăm của những kiếp người như ông Cayce thì vấn đề còn có thêm những điểm đáng lưu ý như sau: những linh hồn khi đầu thai thường có sự tự do chọn lựa nào đó vì thế mà một linh hồn sau khi đã chọn cha mẹ làm phương tiện để được tái sinh thì khi đã đầu thai xong có thể cảm thấy thất vọng nơi gia đình đó nên không còn sự ham sống nữa và dựa vào những cơn đau bệnh bất chợt đến mà đứa trẻ sẽ dễ dàng lìa đời . Ðôi khi sự chết yểu của đứa con lại là một lời nhắn nhủ để người làm cha hay mẹ xét lại những gì mình đã gây ra từ tiền kiếp để từ đó có sự sửa đổi, hoán cải vì sự chết yểu của đứa con là một sự đau thương vô cùng đối với người làm cha mẹ…
Sự kiện con ranh hay con lộn không phải chỉ xảy ra vào thời xa xưa mà thật sự như trên đã nói, xảy ra ở muôn nơi và muôn thuở. Ở Anh, ngay tại thành phố Luân Ðôn, có một gia đình gọi là gia đình Mathew, suốt 4 năm, người mẹ lần lượt sinh 4 người con và người con nào tới 3 tuổi cũng đều lìa bỏ cõi đời cả. Ðiều kỳ lạ là lần có thai thứ tư, người mẹ trước khi chuyển bụng, đang mơ màng trong giấc ngủ bỗng nghe có tiếng nói thì thầm bên tai, tiếng nói của một đứa bé : “đây là lần cuối cùng !” và đứa con sinh lần thứ tư này đã chết vừa lúc đúng 3 tuổi. Ðến lúc có thai lần thứ 5, người mẹ rất lo sợ, nhưng sau khi sanh, bà cảm thấy nhẹ nhõm trong người. Ðứa bé vượt qua giai đoạn 3 tuổi và sống mạnh khoẻ cho đến tuổi trưởng thành không đau ốm gì cả.
Một trường hợp khác sảy ra tại VN… Ðồng bào ở Quảng Trị khoảng năm 1934, 1936 thường biết rõ gia đình của họ Trần, người chồng là Trần Vĩnh T. và người vợ là Nguyễn Thị H. (quê ở làng Vĩnh Lại, trú tại chợ Sòng). Bà H. sinh hạ nhiều lần, chỉ có đứa con đầu là toàn vẹn không có gì xảy ra, nhưng qua mấy lần sinh sau đứa con nào cũng đều chết cả. Bà H. nghe lời những bô lão trong vùng làm dấu trên cánh tay đứa con thứ 3 để xem thử có phải bà đang bị trường hợp con ranh con lộn hay không. Và quả nhiên đến lần sanh kế tiếp trên tay hài nhi mới chào đời có dấu hiệu mà chính người nhà trước đây đã làm dấu lên tay đứa bé trước. Bà mụ lúc đó sợ quá nổi cả da gà. Ðứa bé ấy sau cũng chỉ sống một thời gian ngắn và qua đời . Gia đình bà H. lúc bấy giờ biết chắc họ có “con ranh con lộn” nên từ đó lên chùa làm lễ quy y và làm nhiều việc bố thí, mặc dầu ở Quảng Trị ai cũng biết gia đình bà đối sử tốt với mọi người nhưng có lẽ tiền kiếp của họ đã tạo ác nghiệp nào đó.
Một câu chuyện có thật khác đã xảy ra tại Tân Thạnh Ðông (Vietnam) đã một thời làm xôn xao dư luận. Bà Phan thị Bê, 36 tuổi, sinh đứa con đầu lòng mới được 6 tháng thì cháu mất. Không đầy một năm sau, bà Bê lại sinh đứa con thứ hai, lần này cháu bé chỉ sống được năm tháng rồi cũng qua đời. Người nhà lo sợ mời thầy cúng nổi tiếng trong vùng đến giải họa vì người chồng của bà Phan thị Bê nghi rằng vợ mình bị ma quỷ quấy phá. Khi thầy Ròn đến hỏi qua sự việc và quan sát tướng cách hài nhi, ông thầy đi đến một câu kết luận : “đây là con ranh, con lộn đích thị rồi !” trước khi đem hài nhi đi chôn cất, thầy Ròn yêu cầu bà Bê để ông lấy một ngón út ở bàn tay trái đứa bé làm bằng chứng sau này.
Thế rồi ông thầy Ròn cáo từ. Bà Bê lại sinh con lần thứ ba và lần này cũng ở thời gian rất sớm chưa đầy một năm sau khi đứa con thứ hai qua đời. Hôm đi sanh, bà Bê đang còn nằm thiêm thiếp thì người chồng đã yêu cầu bà mụ cho vào xem con và cái mà anh ta muốn xem trước tiên không phải là gương mặt đứa bé mà là bàn tay trái của nó. Các ngón tay từ từ được kéo ra và bất chợt mặt anh ta tái nhợt vì rõ ràng ngón tay út của đứa bé không có. Nhìn kỹ ngón út như bị teo rút lại tận bàn tay như là vết sẹo. Bà mụ (tên là bà Cam) sau khi biết rõ mọi chuyện đã cùng với chồng bà Bê hết lời an ủi vổ về bà Bê. Lần này thầy Ròn lại được mời đến, ông quan sát bàn tay đứa bé và nói một câu như đinh đóng cột : “chuẩn bị áo quan cho nó. Nó sẽ ra đi đúng thời gian mà trước đó nó đã ra đi. Ðây chính là con ranh con lộn..)
Quả nhiên, sau đó gần 6 tháng, đứa bé không đau không ốm, chỉ sau một lần bị ọc sữa rồi nhắm mắt lìa đời. Ông thầy Ròn khi đó mới lập bàn cúng và làm phép trừ tà. Ông khuyên hai vợ chồng bà Bê nên tìm một đứa con nuôi và mấy tháng sau bà Bê xin được một cháu bé (con lai và chính đứa con lai này mà năm 1988 bà cùng chồng và một đứa con trai tên Long sinh năm 1976 qua Hoa Kỳ theo diện con lai). Sau khi có một đứa con nuôi, vợ chồng bà Bê phần nào đỡ hiu quạnh nhưng trong thâm tâm họ vẫn mong ước có một đứa con chánh thức của chính họ.
Thế rồi tháng 4 năm 1976, bà Bê sinh hạ một cháu trai, lần này hai vợ chồng nhẹ hẳn người vì đứa bé có đủ các ngón tay ở cả hai bàn tay. Ông thầy Ròn lại được mời tới hỏi ý kiến tức thì vì nhà ông ở gần đó. Ông thầy Ròn vừa quan sát đứa bé vừa gật gù nói :
- “Ðược rồi ! Con ranh con lộn không còn phá nữa, nhưng gia đình ông bà phải làm như vầy …”, nói xong ông bảo người nhà quấn tả cho đứa bé thật ấm và đem một chiếc chiếu nhỏ xếp làm tư để ở bên vệ đường gần bụi cây và đặt đứa bé lên chiếu. Một người hàng xóm được yêu cầu đi ngang qua đó nhờ chút việc và bất đồ người này thấy hài nhi ai để bên vệ đường. (Dĩ nhiên người này sẽ kêu lên và người nhà sẽ mách nước cho người ấy ẳm cháu bé lên để được phước và ngay lúc đó chị Phan thị Bê đã được ông thầy dặn dò kỹ lưỡng chạy ra xin đứa bé ấy về nuôi). Như thế, dù là con mình cũng vẫn làm như không phải là con. Ðây là phương cách mà người xưa thường dùng để mong trừ khử chuyện con ranh con lộn.
Quả thật sau đó, cháu bé được mạnh khoẻ và hiện nay đang sống tại Hoa Kỳ…

NHỮNG NGƯỜI ÐI VÀO QUÁ KHỨ

…Song song với hiện tượng nhớ về tiền kiếp xa xăm, hiện nay các nhà nghiên cứu còn quan tâm hơn nữa về một số hiện tượng khác tương tự đó là hiện tượng thấy được sự việc trong quá khứ và cả trong tương lai nữa.
Mùa hè năm 1901 có hai người phụ nữ tên là Eleanor Hourdain và Anne Moberly đi thăm các lâu đài nổi tiếng của Pháp. Nơi họ say mê nhất qua sách vở báo chí và nhất là qua tài liệu lịch sử là Ðiện Versailles. Ngôi biệt điện nguy nga vĩ đại nổi danh trên thế giới qua các triều đại vua chúa vàng son của nước Pháp được xây dựng bởi vua Louis thứ XIII và sau đó được các vua Louis kế tiếp phát triển thêm. Ngay bước xây cất đầu tiên, ngôi biệt điện này đã tiêu hoang phí hết 100 triệu đô la chớ không phải tính theo tiền phật lăng.
Hằng năm du khách đến thăm điện Versaille rất đông nhưng hai phụ nữ này chỉ thích tự mình đi thăm không qua một tổ chức hay một phái đoàn du lịch nào. Họ không muốn bị lệ thuộc vào nhiều hoàn cảnh và thời gian đi lại vì họ rất thích nghiên cứu lịch sử. Với một cuốn chỉ nam du lịch Pháp bỏ túi, hai người đàn bà này đã lần mò để đến những nơi mà họ ưa thích tìm hiểu.
Ðầu tiên, cả hai lên ô tô và khi ô tô tới bến xuống xe họ đã đến nơi nếu họ quẹo tay mặt nhưng họ lại xuống xe và đi tiếp một đoạn đường khá xa. Sau đó họ thấy một con đường nhỏ, một con đường vắng tanh, đó là con đường đất dẫn vào một đám cây xanh ngát. Sẵn óc tò mò và thích du lịch thám hiểm, hai người đàn bà với túi xách trên tay đi lần theo con đường. Không gian êm lắng lạ thường, xa xa là khu rừng thông ngút ngàn. Họ phân vân và có cảm giác mình bị lạc đường. Nhưng họ thấy có nhiều ngôi nhà nông dân đằng xa rồi thấy bên đường cái cào sắt và cái xẻng đặt gần chiếc xe cút kít. Họ gặp nhiều người trên đường lúc đầu là hai người đàn ông mặc áo choàng màu xám xanh, rồi nơi thềm một túp lều, cô Jourdain thấy một người đàn bà lớn tuổi đang đứng với một cô gái trẻ.
Sau vài phút, họ lại gặp một người đàn ông cũng mặc áo choàng và đầu đội mũ rộng vành. Người đàn ông này có gương mặt lầm lì, xam xám và điểm chấn rỗ hoa. Bà Ann Moberly định hỏi thăm đường nhưng thấy dáng dấp và vẻ nghiêm khắc của người đàn ông này nên không hỏi nữa thì vừa lúc đó có một người đàn ông từ xa chạy lại đứng trước mặt họ và nói có vẻ sốt sắng :
- Tôi có thể dẫn các bà đi nếu các bà cho phép !?
Bà Anne và cô Jourdain cảm thấy vui vui và họ cảm ơn người đàn ông đã ngỏ ý muốn dẫn đường cho họ. Họ qua một cây cầu nhỏ bắt ngang qua một con suối mà tiếng nước suối đổ sao nghe xa xăm nhẹ nhàng như xem qua màn ảnh chỉ có hình mà không có tiếng động. Người đàn ông dẫn họ qua cầu rồi từ biệt. Trước mặt hai người là một khoảng yên tĩnh khác. Một người đàn bà dang trầm ngâm ngắm nghía bức tranh bà đang vẽ. Họ lại gặp hai người đàn ông đi tới, yên lặng và nhẹ nhàng như hòa vào cái tĩnh mịch của vùng đất mà họ đã đi qua. Ðâu đâu cũng đều nhuốm vẻ thâm trầm, lặng lẽ. Khi vừa đến một căn nhà gần cuối đường họ mới nghe thấy quang cảnh ồn ào vui vẻ phát ra, họ nhìn vào và biết đó là một cuộc đám cưới linh đình. Một người đàn ông bước ra đưa cao ly rượu chào đón họ…
Hai phụ nữ cảm thấy mỏi chân và họ ngồi lên một tảng đá lớn bên hàng cây râm mát để nghĩ mệt. Gần chiều họ quay trở về. Ðiều kỳ dị là con đường họ đi qua còn đó nhưng tất cả những gì họ đã thấy đều như tan biến cả, không còn ngôi nhà ồn ào náo nhiệt, không còn người đi lại, chẳng thấy túp lều ở đâu và cả xe cút kít và cào xẻng… Hai phụ nữ trở về Balê (Paris) mỗi người đều mang tâm trạng hoang mang kỳ lạ về những gì mình đã thấy. Họ thì thào hỏi nhau như sợ nói to ra sẽ động tới những gì linh thiêng huyền diệu nhất. Họ xem các tập ghi chép của nhau và xác nhận rằng mỗi người đều thấy rõ ràng những hình ảnh xảy ra trước mắt mình không có gì sai lệch.
Ðiều kỳ dị là họ nhớ lại những căn nhà xưa, những túp lều và cách trang phục của những người mà họ gặp. Xem lại bản đồ và sách chỉ dẫn, họ thấy không thể có vùng đất nào như họ đã đi qua có trong tài liệu cả. Hơn nữa những gì họ thấy không thể nào có được vào thời đại họ đang sống nhất là những kiểu mũ, nón, áo quần mà họ đã thấy ở những người mà họ đã gặp. Tài liệu lịch sử cho biết những gì mà họ đã thấy chỉ có ở thời đại cách xa thời đại họ đến gần 200 năm.
Khi đọc kỹ lại nhật ký của nhau, hai phụ nữ thấy có một điều lạ là trong khi bà Anne Moberly thấy người phụ nữ vẽ tranh bên kia cầu thì cô Jourdain lại không thấy. Còn khi Jourdain thấy người đàn bà lớn tuổi và cô gái ở túp lều thì bà Anne Moberly lại không thấy. Nơi mà hai phụ nữ trước đó quyết định viếng thăm là khu nghỉ mát nổi tiếng Petit Trianon, đó là khu nghỉ hè của Hoàng Hậu Marie Antoinette.
Bà Anne Moberly và Jordain cảm thấy như họ đã gặp phải một trường hợp dị thường. Nếu chỉ một người đơn độc gặp phải hoàn cảnh ấy thì có thể họ sẽ cho là một giấc mơ qua hay là một ảo giác (hallucination) mà họ đã trải qua. Nhưng ở đây chính cả hai người đều đã cùng đi và cùng thấy những cảnh tượng như nhau (chỉ ngoại trừ 2 sự kiện vừa kể trên). Vậy có cái gì đó lạ lùng đã sảy ra và đã, đang hiện diện kề cận bên những gì gọi là cõi thế gian. Phải chăng cái quá kứ vẫn nằm mãi bên cái hiện tại ?
Vốn là người thích mạo hiểm, tìm tòi, nghiên cứu, hai phụ nữa ấy quyết định thử lại một chuyến đu hành đế nkhu nghỉ mát Pettit Trianon lần nữa. Họ lại đi vào con đường nhỏ yên lặng. Khi gần đến công viên đầy hoa lá, họ bỗng nghe tiếng nhạc thoang thoảng và từ xa có hai người công nhân đội mũ màu xanh đỏ đang mang củi lên chiếc xe nằm gần một mô đất cao.
Sau đó, cả hai phụ nữ đến gặp người trông coi khu nghỉ mát Petit Trianon. Người này sau khi nghe hai cô gái kể lại mọi sự họ đã trông thấy (cũng như những gì họ đã ghi chép trong cuốn nhật ký) thì chỉ lắc đầu và nói : “Tôi xin phát biểu là tất cả những gì hai cô đã trình bày đều là của quá khứ vì tôi là người trực tiếp coi sóc khu này đã lâu năm, tôi chưa bao giờ trông thấy những người như đã kể, hơn nữa, với những áo quần nhà cửa, vật dụng ấy chỉ có thể thấy được cách đây hơn một thế kỷ mà thôi”.
Nhận thấy những gì mình kể lại đều khó được ai chấp nhận hay giải thích. Cả hai phụ nữ lại đến khu Versailles lần nữa. Nhưng lần này, tất cả những gì họ thấy đều không còn nữa. Họ chỉ còn một quyết định là đến thư viện lớn nhất là viện chuyên về lịch sử để tìm lời chứng nhận và giải đáp qua tư liệu mà thôi. Tại đây, qua các tài liệu lịch sử, phong tục học và xã hội học của nước Pháp, họ ghi nhận lại rằng những trang phục mà họ đã thấy qua những người xuất hiện ở Pettit Trianon là trang phục của thời đại vua Louis. Nơi họ đến khi qua cầu là nơi Hoàng Hậu Marie Antoinette đến nghỉ ngơi vào mùa hè. Người phụ nữ ngồi bên giá vẽ mà bà Anne Moberly thấy chính là hoàng hậu Marie Antoinette.
Câu chuyện lạ lùng mà Eleanor Jourdain và Anne Moberly đã trải qua chẳng bao lâu lôi cuốn một số nhà nghiên cứu về các hiện tượng siêu hình. Các nhà sưu tập sử liệu cũng đã góp Phần tìm hiểu về những gì mà tập bút ký của hai phụ nữ này có ghi lại. Trong một bản tài liệu lịch sử người ta thấy có nhắc đến túp lều ở Trianon, nơi đây có hai người sinh sống là một cô bé 14 tuổi và người mẹ của cô.
Còn người đàn ông có gương mặt nghiêm khắc với những chấm rõ là người quen thân của Hoàng Hậu thường đến chơi mỗi khi Hoàng Hậu đến nghĩ mát vào mỗi dịp hè ở khu này. Riêng về cây cầu mà hai phụ nữ đi qua với dòng suối êm dịu như mơ nay không còn thấy thì lại có một tài liệu được phát hiện vào năm 1913 qua một bản đồ vẽ chi tiết địa điểm, địa danh của vùng Petite Trianon do chính người làm vườn của Hoàng Hậu Marie Antoinette vẽ, trên bản đồ này có vẽ hình cây cầu bắt ngang qua một con suối.
Như thế, mọi thứ mà hai phụ nữ Moberly và Jourdan thấy lần lần đều đã được xác nhận và như thế, rõ ràng họ đã một đôi lần đi vào quá khứ mà họ không ngờ. Ðiều cần biết thêm là hai phụ nữ này đều là những nhà trí thức, bà Anne Moberly là hiệu trưởng của trường College St. Hugh thuộc đại học Oxford, cô Eleanor Jordan là nhà nghiên cứu sử và là giảng viên về ngôn ngữ Pháp. Hai người này không phải là dân Pháp. Họ đến tham quan nước Pháp vào mùa hè năm 1901. Tư liệu về câu chuyện của họ hiện nay vẫn còn lưu trữ tại thư viện Bodleian của đại học Oxford.
Lê Hoàng Nguyễn post

No comments:

Post a Comment